Sự kiện và Bình luận

Cách tăng thu hút vốn đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long

4 ngày trước
Tác giả Nguyen Phong

Giai đoạn 2021 – 2023, vốn đầu tư vào vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ chiếm 11,2% cả nước, giảm từ 13,2% giai đoạn 2011 – 2016. Đáng chú ý, FDI vào khu vực này năm 2023 chỉ chiếm 2% quốc gia, phần lớn tập trung ở Long An.

Share
this:

Nội dung trên được chia sẻ tại lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL vừa diễn ra với chủ đề: Huy động đầu tư cho phát triển bền vững.

Theo báo cáo, bình quân mỗi người trong 6 vùng kinh tế của Việt Nam, ĐBSCL đứng thứ 3 về ODA, thứ 4 về đầu tư công, thứ 5 về FDI và thứ 6 về đầu tư tư nhân nội địa. Hệ quả của việc thiếu đầu tư dẫn đến cơ sở hạ tầng vùng yếu, cơ hội việc làm không cao, năng suất lao động và sức cạnh tranh đứng im.

Các đại biểu tại buổi lễ ngày 27.3.2025. Ảnh: VCCI.

Báo cáo còn chỉ ra nhiều rào cản trong thu hút đầu tư, như hạ tầng giao thông và logistic yếu; thiếu lao động có tay nghề; rủi ro biến đổi khí hậu; và môi trường kinh doanh chưa đủ thuận lợi.

Báo cáo gợi ý cơ quan ban ngành cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm gỡ nút thắt trong thu hút đầu tư. Cụ thể, đưa chuyển đổi số thành trọng tâm chiến lược, tái phân bổ đầu tư công theo hướng ưu tiên hạ tầng và viễn thông, cải cách hành chính mạnh mẽ hơn để tạo thuận lợi thu hút đầu tư và đẩy mạnh mô hình hợp tác công – tư (PPP), nhất là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng.

Buổi chiều cùng ngày, tại Diễn đàn chính sách thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững ĐBSCL, Tham tán thương mại và đầu tư của Úc tại Việt Nam và Campuchia, bà Emma McDonald chia sẻ, ĐBSCL còn là khu vực dễ bị tổn thương liên quan tới biến đổi khí hậu. Úc có nhiều kinh nghiệm và công nghệ giảm thiểu tác động.

Những năm qua trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được tích hợp mạnh mẽ, nhằm tạo ra giải pháp thực tế. Doanh nghiệp Úc sẵn sàng giúp ĐBSCL chuyển đổi năng lượng xanh, nâng cao chất lượng nông sản để tăng giá trị xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Úc sẵn sàng hỗ trợ công nghệ xây dựng quản lý kho bãi hậu cần nông sản, hoặc hiện đại hóa cơ sở sẵn có.

Chia sẻ với Forbes Việt Nam, ông Ngô Nghị Cương, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư C+ cũng nhấn mạnh vấn đề biến đổi khí hậu. Theo ông Cương, khu vực nên ưu tiên dự án như xây dựng hồ chứa nước hoặc cải tạo hệ thống kênh rạch, cần đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư, với thông tin lẫn chính sách ưu đãi cụ thể, huy động nguồn lực cả trong lẫn ngoài nước.

Ông cho rằng, các ban ngành nên tranh thủ vốn ODA cho những dự án trên, còn đầu tư công thì ưu tiên cơ sở hạ tầng và viễn thông. Bên cạnh đó, các địa phương cân nhắc liên kết vùng, để chọn địa điểm đầu tư ở đâu tốt nhất, tránh mỗi tỉnh có chính sách riêng.

ĐBSCL là khu vực dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Ảnh: Izitour.

Ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty Tư vấn Quốc tế CIB nhìn nhận, sụt giảm các mạch nước ngầm ở ĐBSCL là vấn đề nghiêm trọng, khiến nước biển tràn vào, ảnh hưởng tiêu cực tới nông nghiệp lẫn cuộc sống của người dân.

Ông Danh gợi ý nên giảm khai thác nước ngầm, thay vào đó tận dụng công nghệ tưới tiêu hiệu quả hơn. Ví dụ các phương pháp rất hiện đại đã được kiểm chứng của Israel.

Ngoài ra, nên ưu tiên dự án trồng rừng ngập mặn và phục hồi hệ sinh thái, nhất là tại khu vực đất rừng quan trọng bị mất thời gian qua. Điều này cần chiến lược quy hoạch rộng lớn, có thể phải di dời một số hộ gia đình nhỏ lẻ.

Vị chuyên gia này gợi ý, đến lúc nên tái cấu trúc nền nông nghiệp theo hướng thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Ví dụ nông nghiệp tuần hoàn đáp ứng tiêu chuẩn ESG toàn cầu.

Theo ông, thời gian qua, một số mô hình cho thấy tương đối hiệu quả, như đổi từ “1 lúa – 1 tôm” sang “tôm lúa hữu cơ”, giúp tận dụng nước mặn mùa khô và nước ngọt mùa mưa. Ngoài ra, mô hình chăn nuôi kiểu cũ (bò, heo) sử dụng quá nhiều nước ngọt, cũng đang thay đổi, hoặc cải tiến để ít khai thác nước ngầm hơn.