Sau nhiều năm chính phủ Trung Quốc ban hành các quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực công nghệ, các tập đoàn lớn như Alibaba tiếp tục gặp khó khăn.
Tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc Alibaba đã ghi nhận biến động giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất gần ba năm qua, sau khi các chính sách thắt chặt quản lý từ chính phủ Trung Quốc lấy đi hàng tỉ đô la Mỹ giá trị vốn hóa. Tuy vậy, đây vẫn chưa phải lúc để cảm thấy nhẹ nhõm khi còn nhiều khó khăn ở phía trước.
Chính phủ Trung Quốc vẫn có ý định giảm tầm ảnh hưởng của những doanh nghiệp khổng lồ, từ Alibaba của tỉ phú Jack Ma cho đến Tencent của tỉ phú Mã Hóa Đằng, làm giảm đi hi vọng về việc chính phủ sẽ dần nới lỏng các quy định sau nhiều năm tiến hành. Hệ quả từ quy định này làm chậm nền kinh tế và cuộc cạnh tranh cho người tiêu dùng trở nên khắc nghiệt hơn, gây ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng vốn đã yếu đi.
“Tình hình vẫn đang chiều hướng đi xuống, nên tôi sẽ đợi xem điều gì xảy ra,” Shawn Yang, giám đốc quản lý công ty nghiên cứu Blue Lotus Capital Advisors đặt tại Thâm Quyến cho biết.
Alibaba là công ty chịu nhiều tác động nhất, với tỉ lệ P/E chỉ 15,9 lần cho năm tài khóa 2022 (kết thúc vào tháng 3.2022) so với hệ số P/E trung bình 31,3 lần từ năm 2017 trở đi, theo Ming Lu, nhà phân tích của Aequitas Research, công bố trên nền tảng nghiên cứu Smartkarma.
Tuy cổ phiếu có mức giá rẻ, công ty vẫn đang chiếm thị phần áp đảo trong thị trường thương mại điện tử rộng lớn của Trung Quốc, thu hút nhà đầu tư và tỉ phú Charlie Munger đầu tư vào. Tuy vậy, báo cáo thu nhập mới nhất khiến cho nhiều người phải thận trọng. Alibaba đang phải đối mặt với sức tiêu dùng suy yếu và cạnh tranh gắt gao từ những đối thủ như ByteDance, nơi đang thu hút người tiêu dùng bằng chương trình mua sắm qua phát trực tuyến.
Sau khi nộp phạt kỷ lục 2,8 tỉ USD vi phạm quy định chống độc quyền vào tháng 4.2021, Alibaba không còn được cấm các thương hiệu và người bán sử dụng nền tảng thương mại khác, cũng như yêu cầu phải bán độc quyền trên nền tảng của công ty.
Doanh thu của Alibaba trong quý 4.2021 chỉ tăng thêm 10%, lên 38 tỉ USD, đánh dấu mức tăng trưởng chậm nhất kể từ khi công ty niêm yết vào năm 2014. Lợi nhuận ròng giảm 74%, còn 3,2 tỉ USD do giảm lợi thế thương mại và giá trị trong danh mục đầu tư tụt giảm. Bỏ qua những yếu tố này, lợi nhuận ròng giảm 25% xuống 7 tỉ USD.
“Vấn đề của Alibaba trước hết nằm ở tính cạnh tranh rất cao trong lĩnh vực thương mại điện tử. Mọi người đưa ra lý do là vì các quy định thắt chặt, nhưng những quy định đó không khắc nghiệt như khi cạnh tranh với những công ty nhỏ hơn,” Alex Wong, giám đốc quản lý tài sản của Ample Finance Group đặt tại Hong Kong cho biết.
Công ty niêm yết tại Hong Kong, Tencent dự kiến công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 4.2021 vào cuối tháng 3.2022 cũng đang gặp nhiều vấn đề. Kể từ cuối tháng 7.2021, các cơ quan quản lý đã không phê duyệt thêm bất kỳ tựa game mới nào, dẫn đến đợt trì hoãn lần thứ hai sau năm 2018. Vào thời điểm đó, Trung Quốc ngưng phê duyệt game trong gần 10 tháng, khi quốc gia tỉ dân tăng cường kiểm soát nội dung và kiểu chơi.
Theo Cui Chenyu, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Omdia tại Thượng Hải, đợt trì hoãn hiện tại có lẽ liên quan đến việc giới chức nước này muốn bảo vệ trẻ em và kiểm duyệt tựa game có thể gây ra tình trạng nghiện game. Vẫn chưa rõ khi nào hay liệu giấy phép mới được ban hành, có dự báo cho rằng việc tạm ngưng sẽ kéo dài đến hết năm 2022.
Tình hình bất ổn đã tạo thêm lo ngại cho thị trường. Vào ngày 21.2, giá cổ phiếu của Tencent giảm hơn 5%, sau khi một bài đăng nặc danh ám chỉ đến đợt trừng phạt khác nhằm vào công ty này. Tuy vậy, giám đốc bộ phận Quan hệ công chúng Zhang Jun đã bác bỏ tin đồn này. Hiện công ty đang giao dịch với hệ số P/E kỳ vọng là 24 lần, giảm từ P/E trung bình 38,4 lần trong 5 năm qua.
Hiện tại, vẫn chưa rõ thời hạn thực hiện lệnh trừng phạt sẽ kéo dài đến lúc nào. Vào tuần trước, giới chức Trung Quốc ban hành chỉ dẫn mới, yêu cầu các công giao hàng cắt giảm phí tính cho nhà hàng. Qua đó, đẩy giá cổ phiếu của công ty dẫn đầu ngành công nghiệp này là Meituan (niêm yết tại Hong Kong) xuống 15% và mất 26 tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường.
Giám đốc đầu tư của Kaiyuan Capital đặt tại Hong Kong, Brock Silvers chỉ ra những rủi ro từ quy định và cho biết không còn giữ số cổ phiếu công nghệ tại Trung Quốc. Còn Alex Wong cho biết đã giảm đầu tư vào cổ phiếu công nghệ. “Cổ phiếu công nghệ từng là nền móng cho danh mục đầu tư của tôi. Tuy vậy, cổ phiếu này hiện đã không còn giữ vai trò đáng kể, và tôi sẽ chờ sự thay đổi trong thị trường vĩ mô để đầu tư thêm,” Wong cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn
1 năm trước
SoftBank nhắm bán gần hết cổ phần trong Alibaba1 năm trước
Taikang Insurance mở rộng đầu tư tại Hoa Kỳ