Thiếu lao động, nguyên liệu và container rỗng đẩy ngành da giày, lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu cao thứ ba của Việt Nam vào nguy cơ bị các nhà mua hàng lớn trên thế giới phạt vì giao hàng chậm.
Báo cáo của hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam công bố hôm 4.10 cho thấy diễn biến ảm đạm của ngành này trong tháng 9.2021. Xuất khẩu giày dép trong tháng qua giảm 44,2% và túi xách giảm 48%, dẫn đến tổng kim ngạnh xuất khẩu da giày và túi xách giảm 35,2%.
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư kéo dài khi ngành da giày bước vào mùa cao điểm sản xuất và xuất khẩu với số lượng đơn hàng tăng mạnh khi các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, và Trung Quốc đều phục hồi.
Việc thực hiện giãn cách xã hội kể từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 9.2021 đã khiến 80% nhà máy phía Nam, cụ thể TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tiền Giang – khu vực chiếm đến 70% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của ngành phải đóng cửa. Ngoài ra, các nhà máy ở miền Trung và miền Bắc dù ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hơn nhưng cũng chỉ hoạt động với công suất 50-80 % do giãn cách xã hội và thiếu lao động.
Sản xuất của các doanh nghiệp còn bị suy giảm do thiếu lao động vì làm việc giãn cách trong khi chi phí phát sinh cao do đứt gãy chuỗi cung nguyên phụ liệu. Hơn nữa, việc thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao gấp 5-10 lần kể từ năm 2020 vẫn chưa trở về bình thường gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Thông tin từ hiệp hội, các nhãn hàng vì lo ngại bị chậm trễ thời gian giao hàng đã chuyển những đơn hàng chưa sản xuất ra nước ngoài. Gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài là một trong những lo ngại chính của Nike trong công bố về tình hình kinh doanh hồi cuối tháng 8.2021. Việt Nam là nguồn cung giày dép lớn nhất cho Nike trong năm tài chính 2021, khoảng 51% tổng số giày dép của hãng này.
“Sự đứt gãy tạm thời” trong chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng khiến hãng giày adidas thận trọng. Trước đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư, Việt Nam cung ứng 42% sản lượng da giày và 21% hàng may mặc cho adidas. Đến quý 2.2021, hãng này vẫn tăng nhập khẩu từ Việt Nam lên 51,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, so với trước đại dịch năm 2019 thì nhập khẩu trong quý 2.2021 của Adidas từ Việt Nam đã giảm xuống 30,8%. Mới đây, adidas thông báo dịch chuyển đơn hàng từ thị trường bị đứt gãy chuỗi cung ứng sang nơi khác để giảm thiểu tác động của việc gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa trước Noel – mùa tiêu thụ lớn trong năm.
Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam cho biết, khoảng 60% doanh nghiệp da giày đối diện nguy cơ bị nhãn hàng phạt vì giao hàng chậm, theo nghiên cứu tháng 9 của hiệp hội. Tổ chức này cũng cho rằng việc phục hồi sản xuất trong điều kiện “bình thường mới” sẽ mất nhiều tháng mới có thể trở lại mức trước khi xảy ra dịch bệnh vì nhiều lao động bỏ về quê sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển giữa các địa phương do phong tỏa, sẽ gây thiếu lao động trầm trọng.
3 năm trước
Mỗi giờ Vietnam Airlines lỗ 2 tỉ đồng3 năm trước
Vốn FDI vào Việt Nam giảm tháng thứ 3 liên tiếp