Nhiều hãng xe châu Âu lo ngại bị trả đũa sau khi Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu áp thuế bổ sung với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngày 4.7, EU thông báo tăng mức áp thuế nhập khẩu lên gần 48% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc khi quốc gia này quyết định trợ giá cho ngành xe điện, tác động đến các hãng xe châu Âu.
Cụ thể, hãng MG SAIC Motor Corp. chịu mức thuế 37,6% trong khi mức thuế đối với Geely và BYD lần lượng tăng lên 19,9% và 17,4%. Mức này cao hơn nhiều so với mức thuế 10% tiêu chuẩn của EU đối với ô tô nhập khẩu.
Các hãng xe Trung Quốc khác hợp tác với EU trong cuộc điều tra sẽ chịu mức thuế bình quân 20,8%, trong khi những hãng không hợp tác với EU phải chịu mức thuế tăng lên đến 37,6%.
Đến tháng 11, các mức thuế này mới có hiệu lực nên Trung Quốc vẫn còn thời gian thương lượng với EU để thay đổi quyết định trên.
Theo một số chuyên gia, quyết định của EU có thể khơi mào cho một cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc. EU chính thức ra quyết định chỉ cho các hãng xe châu Âu bán xe điện mới vào năm 2035. EU cũng bắt đầu siết chặt hạn ngạch nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc vào năm 2024 với mức 20% và tiếp tục giảm xuống đến 80% vào năm 2030.
Điều lo lắng ở đây là các quốc gia châu Âu sẽ tiếp tục không đáp ứng được nhu cầu đang tăng khi EU giảm hạn ngạch nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc. Năm 2024, doanh số xe điện ở châu Âu đạt mức ổn định khoảng hai triệu và nhiều dự báo cho thấy doanh số xe điện sẽ chỉ đạt từ bảy đến tám triệu vào năm 2030, đáp ứng khoảng 50% yêu cầu.
Giáo sư ManMohan Sodhi của Trường Kinh doanh Bayes ở Anh nói rằng Đức có thể bị Trung Quốc trả đũa. Trung Quốc đã dọa sẽ tăng thuế đối với các dòng xe sedan và SUV hạng sang của Đức.
Sodhi nói: “Ngành công nghiệp ô tô của Đức đã yêu cầu EU không nên áp các mức thuế bổ sung này. Bởi vì hiện Đức xuất khẩu xe sang Trung Quốc nhiều gấp ba lần so với số lượng xe quốc gia này nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, Đức xuất khẩu phụ tùng xe sang Trung Quốc nhiều gấp bốn lần so với số lượng phụ tùng nhập khẩu. EU đang châm ngòi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.”
“Trung Quốc hi vọng EU hiểu được lời đe dọa và không để cuộc chiến thuế quan này xảy ra. Nếu cuộc chiến diễn ra, quốc gia này buộc phải phản ứng mạnh bất chấp động thái này không mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai,” Sodhi nói thêm.
Các hãng xe Đức như Mercedes và BMW đều chỉ ra nhiều lợi ích của tự do thương mại. Ngoài ra, Đức ủng hộ giải pháp đàm phán với Trung Quốc.
Trung Quốc còn đe dọa tăng thuế đối với các mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của châu Âu sang quốc gia này như rượu vang, rượu cognac, các sản phẩm nông nghiệp.
Máy bay của Airbus Industrie có trụ sở tại Toulouse, Pháp, cũng bị Trung Quốc đe dọa áp mức thuế bổ sung. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp ở Tây Ban Nha, Hà Lan, Đan Mạch và Pháp xuất khẩu nhiều thịt lợn sang Trung Quốc cũng có thể chịu mức thuế tăng.
Thom Groot, CEO của The Electric Car Scheme, đang chờ phản ứng của Trung Quốc. Groot nói: “Tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ nhanh chóng phản ứng bằng lời nói mạnh mẽ và sau đó đưa ra động thái giải quyết tình hình nếu không thương lượng thành công với EU.”
Groot cho biết số lượng người mua xe điện ở châu Âu chưa nhiều vì giá cao nên các hãng hạn chế đầu tư sản xuất, trong khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động này.
“Nước Anh và châu Âu cần những động lực mạnh mẽ hơn để thúc đẩy nhu cầu như ưu đãi thuế, đồng thời đầu tư vào chuỗi cung ứng sản xuất ô tô để bắt kịp các hãng xe Trung Quốc,” Groot chia sẻ.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Sammy Chan của GlobalData cho biết ngay cả khi EU áp mức thuế bổ sung thì doanh số xe điện Trung Quốc vẫn sẽ tăng.
Các hãng xe Trung Quốc có lợi thế về chi phí và nguồn cung nguyên liệu, đặc biệt pin, đều sản xuất trong nước. Chan cho biết BYD bán xe điện ở châu Âu với giá gấp đôi hoặc gần gấp ba so với giá xe điện bán ở Trung Quốc.
Rhodium Group gần đây cho biết với mức thuế thấp hơn 50%, các hãng xe Trung Quốc vẫn có lãi khi bán xe điện tại châu Âu nhờ hiệu quả sản xuất cao.
Chan nói thêm: “Chúng tôi dự đoán các hãng xe Trung Quốc vẫn tăng trưởng ở châu Âu cho dù EU áp thuế bổ sung. Không có những lợi thế về chi phí thấp và hiệu quả sản xuất cao như các hãng xe Trung Quốc, hãng xe châu Âu buộc phải ra mắt xe điện muộn hơn để tránh thua lỗ. Nhờ đó, các hãng xe Trung Quốc sớm kiếm được nhiều lợi nhuận trong những phân khúc này.”
Biên dịch: Gia Nhi
————————-
Xem thêm:
Hãng xe điện Trung Quốc BYD trình làng thương hiệu ô tô mới
Trung Quốc với tham vọng chiếm lĩnh thị trường xe điện châu Âu
1 năm trước
Giá trị cổ phiếu của Starbucks giảm hơn 3%