Bằng sự nhạy bén trong kinh doanh, Peter Ryder, nhà đầu tư lão luyện gắn bó với Việt Nam ba thập niên, đã thành công khi chuyển khẩu vị đầu tư từ vốn cổ phần sang các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Gần 30 năm trước, tòa nhà 63 Lý Thái Tổ, văn phòng cho thuê hiện đại bậc nhất tại Hà Nội lúc đó đi vào hoạt động. Ba mặt tiền, nằm đối diện Nhà hát Lớn, tòa nhà là sự đột phá trong thiết kế và xây dựng so với các công trình xây dựng xung quanh. Tòa nhà còn đánh dấu về bước ngoặt trong quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ, khi lần đầu tiên một công dân Mỹ có tên trong giấy phép đầu tư số 999 cấp vào tháng 10.1994 cho đơn vị phát triển tòa nhà.
Doanh nhân Peter R. Ryder, CEO của Indochina Capital, là nhân vật chính trong sự kiện vừa nêu, sau này cũng xuất hiện ở những cột mốc hội nhập kinh tế và phát triển của hai đất nước. Cùng với đối tác Rick Mayo – Smith, Peter sáng lập nên Indochina Capital Vietnam Holdings, quỹ đầu tư đầu tiên của Việt Nam được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán London (LSE), đóng vai trò dẫn dắt thị trường cổ phiếu thời kì sơ khởi và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.
“Tôi đã, đang và sẽ vẫn luôn là một nhà đầu tư bất động sản. Hoạt động của quỹ chủ yếu là để huy động vốn cho các dự án như vậy,” thuyền trưởng của Indochina Capital nói ngay khi Forbes Việt Nam điểm qua những hoạt động của ông trong 30 năm qua.
Để tòa nhà 63 Lý Thái Tổ được cấp phép ngay sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận Việt Nam, Peter Ryder đóng một vai trò ngoại giao đặc biệt, ông là mối dây duy nhất kết nối và xử lý mớ bòng bong giữa chủ đầu tư, giới chức và cơ quan chủ quản khu đất này.
“Cùng với đối tác trong nước là Mặt trận Tổ quốc, tôi cố gắng đưa tất cả các bên lên bàn đàm phán với đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và đã thành công khá nhanh dù thực sự không dễ dàng,” Peter hóm hỉnh kể lại.
Sau thương vụ thành công với dự án 63 Lý Thái Tổ, Peter chính thức kết hợp cùng Richmond (Rick) Mayo-Smith và công ty riêng của hai người sáp nhập thành Indochina Capital Corporation (ICC) năm 1999. Danh tiếng của họ nổi bật trên thị trường ngày nay, nhiều lần xác lập các cột mốc quan trọng trong đầu tư bất động sản tại Việt Nam với danh mục các khu dân cư, văn phòng, trung tâm thương mại nhưng dấu ấn lớn nhất thuộc lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng.
Quỹ đầu tư Indochina Land do Rick dẫn dắt trước đó đã có một dự án mang tính biểu tượng là Furama Resort Đà Nẵng, được xem là bất động sản hàng hiệu đầu tiên của Việt Nam, mở cửa đón khách vào năm 1997. Gần 10 năm sau khu nghỉ dưỡng lập dấu mốc tiếp theo trong sự hội nhập kinh tế của Việt Nam, là một trong những địa điểm đăng cai Hội nghị APEC Việt Nam 2006.
Trong cùng năm, khu nghỉ dưỡng The Nam Hai ra mắt, nằm ngay bên ngoài thương cảng Hội An. Ban đầu được quản lý bởi GHM và hiện nay là Four Seasons, The Nam Hai được tạp chí Travel & Leisure trao Giải thưởng Thiết kế và bình chọn “Khu nghỉ dưỡng đẹp nhất thế giới” từ năm 2008.
Bên cạnh các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, Indochina Land Holdings (ILH), quỹ đầu tư bất động sản đầu tiên của Việt Nam, giữ vai trò dẫn dắt đầu tư vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn trên khắp nước như Six Senses Côn Đảo, Montgomerie Links Việt Nam, Hyatt Regency Đà Nẵng, khách sạn Dalat Palace và Sofitel Legend Metropole Hà Nội.
Mặc chiếc áo pull bạc màu, quần bò, giọng sang sảng, Peter trông dân dã và hoạt bát. Ông tốt nghiệp ngành nhân chủng học ở đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ). Trong suốt sự nghiệp nghiên cứu 10 năm sau đó, một nửa thời gian của ông là đi khảo cổ ở các nước Trung Mỹ.
Bước rẽ đến với ngành tài chính hiện tại được Peter mô tả: “Bỗng một ngày mất hết động lực. Có lẽ phần đời làm Indiana Jones (nhân vật phim thám hiểm giả tưởng) đến đó là chấm hết. Tôi thấy oải quá, với lại, thú thật tôi cũng hơi chán cảnh nghèo túng!”
Bỏ việc giữa thời điểm khủng hoảng kinh tế, sáu tháng sau “nhà khảo cổ” 29 tuổi tìm được vị trí chuyên viên tại ngân hàng đầu tư Salomon Brothers ở phố Wall, New York. Trong chín năm tại đây, Peter thăng tiến một mạch từ chuyên viên phân tích đầu tư lên vị trí người đứng đầu tập đoàn tài chính bất động sản châu Á – Thái Bình Dương của Salomon Brothers.
Ông làm việc ở Tokyo bốn năm, chịu trách nhiệm cho khoản đầu tư và môi giới trị giá ba tỉ đô la vào nhiều loại hình bất động sản ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. “Tôi chưa từng trải qua trường lớp kinh tế nào, cũng chưa trực tiếp phát triển dự án bất động sản nào trước đó, nhưng tôi tin bất kỳ ai có chút thông minh và nhiều nghị lực đều có thể làm nên chuyện,” ông nói.
Đi khắp châu Á nhưng Peter chưa từng đến Việt Nam trong suốt thời gian ở Salomon Brothers, bởi thời điểm đó Việt Nam chưa mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Đến năm 1991, được điều về Mỹ nhưng do vẫn muốn ở lại châu Á, ông lên ý định tìm địa điểm lập sự nghiệp riêng. Tháng 1.1992, Peter sang Việt Nam làm cố vấn cho một dự án bất động sản ở khu vực Chợ Lớn, TP.HCM.
Cũng như nhiều thanh thiếu niên Mỹ lớn lên trong thập niên 1970, Peter R. Ryder nghĩ đến Việt Nam trước tiên qua lăng kính chiến tranh. Cái máu “nghiên cứu” về nhân chủng học, con người và văn hóa thôi thúc ông đọc sách Stanley Karnow, bút ký David Halberstam, tiểu thuyết Bảo Ninh… để hiểu thêm về đất nước Việt Nam.
Peter cũng hỏi thăm những người bạn làm ăn, Rick Mayo-Smith, người đến Việt Nam từ năm 1989, khi cơ chế đầu tư và kinh tế tư nhân còn manh nha. Bằng sự nhạy bén trong kinh doanh, cả hai tin tưởng Việt Nam rồi sẽ mở cửa mạnh mẽ, đồng nghĩa với dòng vốn quốc tế và cơ hội cho những ngành chủ đạo như bất động sản sẽ sớm đến.
Nhà đồng sáng lập Rick Mayo-Smith, người chính thức rời Indochina Capital từ năm 2015, cho biết tổng danh mục tài sản của ILH từng có trị giá hơn hai tỉ đô la Mỹ dưới thời ông chịu trách nhiệm điều hành. Phần nhiều trong số này đã được sang nhượng lại cho các bên mua đến từ Hong Kong, Singapore và Nhật Bản.
Để huy động vốn cho các dự án, Indochina Capital đã sử dụng công cụ tài chính trong nước lẫn quốc tế. Sau khi mua lại cổ phần chủ chốt của Mekong Securities, ICC lập quỹ đầu tư chuyên về chứng khoán Indochina Capital Vietnam Holdings (ICV), được niêm yết trên thị trường chứng khoán London với tổng vốn hóa 480 triệu đô la Mỹ.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, các quỹ đầu tư chứng khoán đa quốc gia đã mua chứng chỉ quỹ ICV, nâng tỉ lệ sở hữu đủ lớn và biểu quyết thông qua kế hoạch giải thể quỹ đầu tư chứng khoán chia tiền cho nhà đầu tư. “Indochina Capital đã huy động ba quỹ bất động sản khác nhau gồm Indochina Land Holdings, Indochina Land Holdings 2 và Indochina Land Holdings 3 với tổng vốn gần một tỉ đô la. Chúng tôi thoái vốn khỏi các khoản đầu tư chứng khoán, dành tiền toàn lực tập trung phát triển bất động sản,” Peter lý giải.
Kể từ năm 2012, Rick cùng gia đình sang định cư ở Singapore, Peter một mình chèo lái con thuyền lớn Indochina Capital. Sức hút cá nhân và tài ngoại giao đặc biệt của Peter vẫn là vốn quý, giúp Indochina Capital hưởng những ưu đãi quan trọng. Indochina Capital từng là nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài đầu tiên nhận được tài trợ không truy đòi từ ngân hàng Vietcombank cho dự án bất động sản The Nam Hải vào năm 2005.
Về sau, Vietcombank tiếp tục hỗ trợ khách hàng của Peter vay mua căn hộ với lãi suất 0% trong năm đầu. Khu phức hợp Indochina Plaza Hanoi được mở bán với hình thức này, trở thành cú hích lớn của thị trường bất động sản thủ đô trong giai đoạn khó khăn 2012–2015.
“Những năm 2013–2014, tôi phải nghĩ đến những phương tiện khác để tài trợ cho các dự án tiếp theo của Indochina. Các quỹ đều có thời hạn 5-10 năm, không lý tưởng để phát triển bất động sản vì dự án có thể trì hoãn nhiều năm trời,” Peter hồi tưởng.
Ông quyết định quay lại Nhật Bản tìm gặp những mối quan hệ cũ tại Salomon Brothers. Trong số này, có một người bạn quan trọng: Tiến sĩ Shoichi Kajima, cố chủ tịch của Kajima Corporation, một trong năm tập đoàn xây dựng lớn nhất Nhật Bản. Bên cạnh lịch sử lâu đời, Kajima còn tích cực vươn ra ngoài biên giới nước Nhật. Tập đoàn này đã có dự án bất động sản ở nước ngoài đầu tiên tại Mỹ từ hơn 60 năm trước, trước khi mở rộng đầu tư tại châu Âu, Indonesia và Singapore.
Cú bắt tay với Kajima mang lại cho Indochina nguồn vốn dồi dào từ tập đoàn mẹ, các đối tác trong nước lẫn mạng lưới ngân hàng toàn cầu. Tính đến hiện tại, tổng giá trị các dự án liên doanh đã và đang thực hiện khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ. “Về cơ bản, các dự án của chúng tôi được triển khai với liên doanh Indochina Kajima, trong đó mỗi bên góp 50% vốn”, Peter nói thêm.
Indochina Kajima đã tăng tốc phát triển song song giữa bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp trong giai đoạn 2016-2022. Bên cạnh khu nghỉ dưỡng Mandarin Oriental Bãi Nồm Phú Yên giai đoạn 2, liên doanh cũng cho ra mắt ba trong số dự kiến 20 khách sạn thuộc chuỗi thương hiệu Wink Hotels.
Mandarin Oriental Bãi Nồm hướng đến cung cấp trải nghiệm nghỉ dưỡng riêng tư, độc đáo cho giới nhà giàu trong khi Wink Hotels hướng tới tập khách hàng trung lưu trẻ nội địa, những người có cuộc sống bận rộn và cần sự giản tiện.
Với giá phòng quanh 50 đô la Mỹ, vị trí giữa trung tâm các thành phố lớn, chuỗi Wink Hotels là cơ sở lưu trú “tiện nghi vừa túi tiền” – “affordable luxury” như lời Peter Ryder giới thiệu. Wink có thiết kế đẹp và trang trí bắt mắt, được thực hiện bởi nhà thầu trong nước và nghệ sĩ đang sinh sống ở Việt Nam như Nguyễn Thế Sơn hay Richie Fawcett để giữ chi phí ở mức vừa phải.
Các khách sạn nhấn mạnh vào tiện ích cho người đi làm, đi công tác: khu vực làm việc chung rộng, wifi mạnh, trang bị máy bán hàng tự động và quầy bán đồ ăn uống mang đi. Giờ nhận và trả phòng linh động theo chu kỳ 24 giờ. Peter nói thêm: “Wink mang phong cách trẻ, năng động với giá cả hợp lý, đơn giản và thuận tiện. Chúng tôi sẽ mang theo thương hiệu này đi ra quốc tế”.
Tuy có tầm nhìn tham vọng và yên tâm nguồn vốn, vị CEO sinh năm 1954 cho biết đây là giai đoạn Indochina chậm lại trong việc phát triển dự án bởi thị trường không mấy thuận lợi. Về phần mình, ông tin chắc con số bốn triệu người Việt gia nhập tầng lớp trung lưu mỗi năm sẽ giúp mảng bất động sản nghỉ dưỡng hàng hiệu có bước chuyển lớn, nhất là về đối tượng phục vụ.
“Khi chúng tôi ra mắt The Nam Hai, khu nghỉ dưỡng xa xỉ đầu tiên của Việt Nam, có 40 biệt thự được rao bán thì 38 căn đầu tiên được mua bởi người nước ngoài. Giờ bạn hỏi ai sẽ mua biệt thự Mandarin Oriental, theo tôi đến 75% là người Việt,” ông nói tự tin, “người Việt giàu có bây giờ nhiều và những sản phẩm của chúng tôi đặc biệt hấp dẫn với họ”.
Ung dung chờ đợi thời cơ với vị thế một nhà đầu tư lão luyện, Peter Ryder thổ lộ mong muốn tìm được một ứng cử viên phù hợp để san sẻ gánh nặng công việc. “Trong số khoảng hơn chục người từng sát cánh bên tôi 20 năm qua, tôi muốn cất nhắc thêm một CEO nữa để giúp phụ trách các dự án ở thị trường trong Nam, hoặc tốt hơn là tôi sẽ ‘tót’ lên làm chủ tịch điều hành và dành vị trí CEO cho ai đó”, Peter lại hóm hỉnh.
Peter kể nhiều nhà đầu tư nước ngoài hỏi ông làm thế nào để thành công ở Việt Nam. Ông trả lời: “Phải có ba chữ P: Patience – Persistence – Perseverance (kiên trì, bền bỉ và kiên định mục tiêu của mình). Đó là điều mà họ thường thiếu”.
Sống ở Việt Nam hơn 30 năm, lấy vợ Việt từ năm 1994 nhưng vốn tiếng Việt của Peter chẳng là bao. Ông kể hai con trai song sinh vẫn than vãn bằng giọng Hà Nội mỗi khi ông cố giao tiếp với chúng, rằng tiếng Việt của ông váng đầu lắm. Peter cười: “Thế đấy, nhưng tôi hạnh phúc khi Luke, cậu con đầu, đã về làm việc ở Indochina Capital và chắc Max cũng sẽ về lại Việt Nam một ngày không xa.”