Hãng lốp xe hàng đầu thế giới, Bridgestone của Nhật, rót hàng tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam mở cứ điểm sản xuất phục vụ cho thị trường toàn cầu.
Năm 2012, truyền thông quốc tế loan tin hãng sản xuất lốp xe số 1 thế giới khi ấy, Bridgestone của Nhật Bản, được cấp phép xây nhà máy sản xuất tại Việt Nam, đặt tại khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng. Một năm sau, Bridgestone điều chỉnh tăng vốn lên hơn 1,2 tỉ đô la Mỹ sau khi khởi công giai đoạn 1. Ở thời điểm đó, đây là dự án tỉ đô lớn thứ hai ở Hải Phòng, sau dự án của tập đoàn LG tại khu công nghiệp Tràng Duệ.
Dự án tỉ đô của ông lớn ngành lốp xe – cao su thế giới đã khởi đầu làn sóng đầu tư thứ hai từ Nhật Bản vào Việt Nam. Nếu như làn sóng thứ nhất ngay khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế, các công ty Nhật chủ yếu nhắm đến nhu cầu tiêu dùng còn sơ khai trong nước thì làn sóng thứ hai, vào những năm 2012–2014, đến từ những tập đoàn hàng đầu vào Việt Nam mở cơ sở sản xuất hiện đại hơn để phục vụ thị trường toàn cầu.
Ông Nobuharu Shiina, tổng giám đốc công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam (BTMV) cho biết: “Nhà máy ở khu công nghiệp Đình Vũ là nhà máy thứ 50 của tập đoàn Bridgestone trên thế giới vào thời điểm đó, với sản phẩm chính là lốp bố thép (radial) cho xe ô tô (PSR)”.
Được xây dựng trên tổng diện tích 102 héc ta với công suất lắp đặt thuộc loại lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhà máy hiện đang hoạt động với 1.300 nhân viên. Với sản lượng năm 2022 đạt ba triệu đơn vị sản phẩm, BTMV cùng với nhà máy tại Nong Khae (Thái Lan) và nhà máy tại Karawang (Indonesia) hợp thành nguồn cung chủ yếu cho mặt hàng lốp PSR trong khu vực Đông Nam Á.
Lốp PSR với ưu điểm lớp bố được làm từ sợi mành thép, chịu được va đập tốt hơn, ít sinh nhiệt và mài mòn hơn so với lốp mành vải BIAS. Trên toàn cầu, các thị trường phát triển ngày càng ưa chuộng lốp radial dù chi phí cao nhưng tuổi thọ cao, hiệu suất hoạt động tốt và an toàn hơn sau gần 10 năm hoạt động. Ông Nobuharu Shiina cho biết hơn 90% sản phẩm từ nhà máy Hải Phòng xuất khẩu thuộc nhiều phân khúc lốp cho những dòng xe từ thông dụng đến cao cấp.
Tập đoàn Bridgestone còn có một pháp nhân khác đang hoạt động tại Việt Nam, công ty TNHH Kinh doanh lốp xe Bridgestone Việt Nam (BSTVN). Thành lập năm 2010, nhánh kinh doanh do ông Naoki Inutsuka điều hành, đang cung cấp đa dạng sản phẩm lốp cho các dòng xe du lịch và thương mại, kể cả cho xe máy tại thị trường trong nước, bao gồm các dòng xe điện của VinFast.
Ông Naoki Inutsuka cho biết, bên cạnh xuất khẩu, nhà máy Hải Phòng cũng là nhà cung cấp lốp xe cho những dòng sản phẩm chủ lực của Toyota Việt Nam, hãng xe bán chạy nhất tại Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, hãng đã cung cấp hơn 500 ngàn lốp theo xe và lốp thay thế cho nhiều dòng xe Toyota lắp ráp trong nước.
Từ năm 2022, Bridgestone mở rộng sản xuất thêm dòng lốp dành cho xe máy, ưu tiên các dòng xe tay ga cao cấp, mô tô thể thao và xe phân khối lớn. Gần đây nhất, tháng 11.2023, nhà máy phối hợp với nhánh kinh doanh của Bridgestone Việt Nam giới thiệu dòng lốp sản xuất riêng cho đối tác VinFast, được thiết kế với công nghệ dành riêng cho xe điện, trở thành lốp theo xe chính thức cho dòng ô tô điện VF6 và toàn bộ lốp cho đội xe buýt điện VINBUS.
Tập đoàn Bridgestone do gia tộc Ishibashi sáng lập năm 1931, thương hiệu “Bridgestone” được lấy cảm hứng từ nghĩa của cụm từ Ishibashi, có nghĩa là cây cầu (bridge) và đá (stone). Bridgestone từng là nhà sản xuất lốp xe và cao su số 1 thế giới trong 11 năm liên tiếp, giai đoạn 2010–2020, nhưng hai năm qua, hãng tiến hành các đợt cải tổ nhằm cơ cấu lại hệ thống sản xuất và danh mục sản phẩm để tối ưu chi phí, vượt qua những khó khăn hậu đại dịch COVID–19.
Trên toàn cầu, hệ thống Bridgestone hoạt động với 130 nhà máy sản xuất, trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) và cơ sở kinh doanh bao quát tại 150 thị trường, trong đó có 63 nhà máy sản xuất lốp xe. Tính đến tháng 12.2023, Bridgestone tái cơ cấu hoạt động sản xuất còn 44 nhà máy, song song đó triển khai cơ cấu quản lý mới trên toàn cầu.
Theo đó, hoạt động kinh doanh được chia thành hai khu vực, Bridgestone Đông và Bridgestone Tây. Mỗi khu vực có giám đốc điều hành riêng dưới quyền CEO toàn cầu, ông Shu Ishibashi. Điều thú vị là dù có cùng họ với nhà sáng lập, nhưng ông Shu không phải là thành viên của gia tộc này.
Tại Việt Nam, Bridgestone vẫn đang giữ vững vị thế là một trong những công ty dẫn đầu thị trường lốp xe ô tô, xe tải và xe buýt, đồng thời là một trong những cái tên xuất khẩu chủ lực của ngành. Theo số liệu từ hiệp hội Cao su Việt Nam, lốp xe là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của quốc gia với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 2,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,7% so với năm 2021 và chiếm 52,5% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ cao su. Lốp xe từ Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 140 thị trường, trong đó Mỹ vẫn là thị trường chính, chiếm gần 60%.
Gần 90% giá trị xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp FDI như Bridgestone, Kumho, Yokohama, Sailun, Guizhou, Kenda. Chia sẻ của tổng giám đốc nhà máy Bridgestone Việt Nam cho thấy các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và xuất khẩu của tập đoàn Nhật Bản. “Nguyên nhân từ khoảng cách về trình độ công nghệ. Bridgestone luôn chủ động tìm kiếm cơ hội sử dụng nguyên liệu thô của các nhà cung cấp địa phương, tuy nhiên tỉ lệ này vẫn còn tương đối nhỏ phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chất lượng cao,” theo ông Nobuharu Shiina.
Công nghệ sản xuất lốp xe, đặc biệt là lốp bố thép PSR của công ty, từng là nền tảng cho 11 năm liên tiếp thống trị thị trường thế giới. Công ty cũng từng là đơn vị nghiên cứu sản xuất và tài trợ lốp xe cho các giải đua thể thức 1 (F1), F2, F3, giải đua mô tô GP trong hàng chục năm liền.
Từng có thời hai cái tên lớn từ Nhật và Hàn Quốc là Bridgestone và Kumho “độc chiếm” thị trường PSR tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay tình hình cạnh tranh đã khác, không chỉ các đối thủ toàn cầu mà ngay cả các công ty Việt Nam cũng đã đầu tư mạnh tay vào công nghệ rút ngắn khoảng cách với các công ty tốp đầu thế giới. Chưa kể làn sóng những tên tuổi từ Trung Quốc cũng đang cạnh tranh trực tiếp với Bridgestone tại những thị trường truyền thống ở châu Âu.
Chưa dừng lại ở đó, các công ty Trung Quốc còn đủ lực để mua lại những thương hiệu lốp xe lớn trên toàn cầu để nhanh chóng sở hữu năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ. Điển hình như ChinaChems mua lại hãng lốp xe lớn thứ năm thế giới, Pirelli của Ý, với mức chi gần tám tỉ đô la Mỹ vào năm 2015.
Ngay tại Việt Nam, những tên tuổi hàng đầu của Trung Quốc như Sailun Tire, Kenda, Guizhou cũng đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ cho nhà xưởng hiện đại, chuyển dịch sản xuất và hướng ra xuất khẩu. Theo chia sẻ mới đây của hiệp hội Cao su – Nhựa TP.HCM, doanh thu của Sailun Việt Nam đã đạt tới 1 tỉ đô la Mỹ, vượt xa các đại diện từ Hàn Quốc và Nhật Bản như Bridgestone, Kumho và Yokohama.
Theo số liệu tự bạch, Bridgestone từng nắm giữ 12,5% thị phần toàn cầu năm 2021, nhưng đã tụt lại đáng kể từ đỉnh cao đó sau khi mất vị trí số một vào tay Michelin. Đại diện của nhà máy Bridgestone Hải Phòng chia sẻ thêm, sau đợt tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu phục hồi hậu COVID–19 vào năm 2022, tình hình sản xuất kinh doanh năm 2023 có xu hướng chậm lại do tình trạng khó khăn chung mà các thị trường nhập khẩu chính trên toàn cầu đều đang đối mặt.
Tuy nhiên, ông Naoki Inutsuka, người điều hành mảng kinh doanh lốp xe Bridgestone Việt Nam, tin tưởng các dòng xe cơ giới ngày càng phổ biến và sự phục hồi kinh tế sẽ đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường sản xuất lốp xe. Số liệu nghiên cứu của Statista, Đức, dự báo thị trường lốp ô tô toàn cầu sẽ đạt 176 tỉ đô la Mỹ vào năm 2027 – tăng khoảng 31% so với năm 2023.
Trước tình hình cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ truyền thống lẫn các nhà sản xuất mới nổi từ Trung Quốc, tập đoàn Nhật Bản chọn tầm nhìn mới, đầu tư mạnh mẽ hơn cho các hoạt động kinh doanh bền vững và tập trung đầu tư cho công nghệ mới. Từ đầu năm 2022, Bridgestone đưa ra cam kết 8 chữ E (Energy – Năng lượng, Ecology – Sinh thái, Efficiency – Hiệu quả, Extension – Mở rộng, Economy – Kinh tế, Emotion – Cảm xúc, Ease – Yên tâm, và Empowerment – Trao quyền) cam kết những giá trị cốt lõi mà tập đoàn hướng đến, trong đó năng lượng xanh – Energy và sinh thái bền vững – Ecology là những cam kết hàng đầu.
Tập đoàn lên kế hoạch trở thành thương hiệu đầu tiên sản xuất lốp xe từ 100% nguyên liệu tái tạo vào năm 2050, với ngân sách cho nghiên cứu trên 130 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Khởi đầu năm 2024, Bridgestone triển khai cơ sở thử nghiệm phương pháp tái chế hiệu quả làm nền tảng tiến tới xây dựng nhà máy tái chế chính thức vào năm 2030. Công nghệ của hãng xoay quanh ý tưởng thay cao su bằng nguyên liệu có thể tái chế để làm vật liệu chính của lốp xe. Qua đó mở ra khả năng phân hủy lốp cũ và tái sử dụng làm lốp mới thay vì đốt hủy như phương pháp hiện tại.
Lãnh đạo tập đoàn thừa nhận lốp tái chế sẽ có giá cao hơn, dù vậy niềm tin tiên quyết cho tầm nhìn này bởi có thể “tạo ra sản phẩm có tuổi thọ cao hơn cộng thêm giá trị lớn về bảo vệ môi trường, có thể thuyết phục khách hàng mở thêm hầu bao.” Nhờ đó, vấn đề về chi phí tái chế sẽ dễ có hướng giải quyết hơn.
Tất cả những chuyển đổi quan trọng và đầy tham vọng này được tập đoàn kỳ vọng giúp thay đổi cái nhìn của các thế hệ người tiêu dùng tương lai. Tham vọng này đặt Bridgestone vào con đường chuyển đổi từ công ty sử dụng các nguyên liệu truyền thống thành “một công ty cung cấp giải pháp bền vững”, nhờ đó nhanh chân khởi đầu một làn sóng tiêu dùng mới, thiên về trách nhiệm với môi trường hơn các thế hệ trước.
Là một bộ phận của tập đoàn, nhà máy tại Hải Phòng cũng đang đi theo định hướng “xanh” này với việc hoàn thành mục tiêu sử dụng hơn 50% năng lượng từ nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2023 và hướng sử dụng năng lượng tái tạo toàn phần vào năm 2030.
Nhà máy Bridgestone Việt Nam chuyển từ nồi hơi sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) sang năng lượng sinh khối. Dù gặp khá nhiều thách thức về giá nguyên vật liệu và chi phí đầu tư, ông Nobuharu Shiina cho rằng là trách nhiệm của tập đoàn trong việc giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính và thúc đẩy chu trình tuần hoàn nguyên vật liệu, góp phần tạo dựng làn sóng mới cho một xã hội bền vững hơn.
3 năm trước
FDI ngấm đòn COVID-193 tháng trước
Mảnh gốm đắt giá Kyocera ở Việt Nam3 năm trước
Tăng hiệu ứng lan tỏa dòng vốn FDI