Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ phạt hãng sản xuất máy bay Boeing 200 triệu USD vì đã lừa dối các nhà đầu tư về tình trạng của chuyên cơ 737 Max.
Vào ngày 22.9, Boeing đồng ý nộp phạt 200 triệu USD cho Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) vì đã thiếu trung thực với các cổ đông sau hai vụ tai nạn thảm khốc của máy bay 737 MAX, tước đi mạng sống của 346 hành khách và khiến đội bay bị đình chỉ hoạt động trong 20 tháng. Đây là khoản nộp phạt mới nhất của Boeing cho sự cố liên quan đến dòng máy bay 737.
SEC đã phạt Boeing và cựu giám đốc điều hành (CEO) Dennis Muilenburg cho “tuyên bố công khai gây hiểu nhầm nghiêm trọng” sau hai vụ rơi máy bay 737 MAX vào các năm 2018 và 2019.
SEC cáo buộc Boeing và Muilenburg đã biết một phần nguyên nhân gây ra vụ tai nạn đầu tiên từ trục trặc trong hệ thống kiểm soát bay và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bay, nhưng vẫn trấn an dư luận rằng máy bay 737 MAX “an toàn như bất kỳ mẫu máy bay nào khác từng được cất cánh”, cũng như đổ lỗi cho sai sót của phi công và quy trình bảo dưỡng sơ sài.
Theo SEC, Boeing đã che giấu quy trình chứng nhận cho máy bay 737 MAX sau sự cố năm 2019, mặc dù Muilenburg biết về một số điểm đáng ngờ trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh khoản tiền phạt 200 triệu USD của Boeing, Dennis Muilenburg, từ chức CEO vào tháng 12.2019 sau khi vụ tai nạn hàng không xảy ra, cũng đồng ý nộp phạt 1 triệu USD.
Hồ sơ pháp lý cho biết Boeing không thừa nhận hay phủ nhận các cáo buộc từ SEC.
Đây là khoản tiền phạt mới nhất từ sự cố liên quan đến máy bay 737 MAX, sau khi Boeing đồng ý trả 2,5 tỷ USD để dàn xếp cuộc điều tra hình sự của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vì đã lừa dối Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Vào tháng 4.2022, ban lãnh đạo của Boeing nộp phạt số tiền 237,5 triệu USD.
Trong thông cáo báo chí gửi tới Forbes, người phát ngôn của Boeing cho biết khoản tiền phạt này nằm trong “nỗ lực lớn hơn để thể hiện trách nhiệm trong việc giải quyết những vấn đề pháp lý còn tồn động từ vụ tai nạn do máy bay 737 MAX gây ra, nhằm đáp ứng mong muốn của cổ đông, nhân viên và các bên liên quan khác.”
Toàn bộ máy bay 737 MAX, phiên bản mới nhất của dòng máy bay bán chạy nhất lịch sử Boeing, đã bị cấm hoạt động trên toàn thế giới sau khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc tại Ethiopia vào năm 2019, gần 5 tháng sau sự cố tương tự ở Indonesia. Cả hai vụ tai nạn trên đều do lỗi từ hệ thống điều khiển khiến mũi máy bay chúi xuống.
Sau 20 tháng ngưng hoạt động, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã cấp phép cho 737 MAX quay trở lại bầu trời, sau khi Boeing tiến hành cập nhật phần mềm để ngăn tình trạng chúi mũi và lái thử nghiệm.
Theo người phát ngôn của Boeing, công ty đã có “những sự thay đổi sâu rộng” sau vụ tai nạn, bao gồm áp dụng quy trình an toàn mức độ cao và tăng cường giám sát hơn nữa.
Khoản tiền dàn xếp trị giá 237,5 triệu USD với các cổ đông cũng dẫn đến việc Boeing thuê đơn vị kiểm tra từ bên thứ ba và bổ sung thêm thành viên mới có chuyên môn về hàng không, kỹ thuật và giám sát an toàn sản phẩm vào ban lãnh đạo công ty.
Tuy vậy, trong năm 2020, Boeing đã tổn thất gần 12 tỉ USD sau khi tạm dừng bàn giao các mẫu máy bay 737 MAX và đại dịch COVID-19 khiến hoạt động đi lại trên toàn cầu bị ngưng trệ.
“Trong thời điểm khủng hoảng và bi kịch, việc các công ty và ban lãnh đạo cung cấp đầy đủ những thông tin, minh bạch và công bằng cho thị trường là điều hết sức quan trọng. Nhưng Boeing và cựu CEO Dennis Muilenburg đã không làm tròn nghĩa vụ cơ bản này,” Gary Gensler, chủ tịch của SEC cho biết trong thông cáo báo chí.
4 tuần trước
Sản xuất công nghiệp của Mỹ tăng chậm trong tháng 1110 tháng trước
Forbes Việt Nam số 125 & 126: Cơ hội mới, vận hội mới6 tháng trước
Boeing bàn giao 44 máy bay trong tháng 65 tháng trước
Boeing bổ nhiệm giám đốc điều hành mới1 năm trước
Máy bay tự lái sẽ sớm cất cánh