Kinh doanh

Boeing không thể giới thiệu máy bay mới cho đến năm 2035

Boeing dự kiến sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong lĩnh vực kinh doanh máy bay thương mại lẫn quốc phòng vào năm 2026 và bắt đầu chia lợi nhuận trở lại cho các nhà đầu tư.

Share
this:

Tuy nhiên, CEO David Calhoun cho biết công ty sẽ không phát triển máy bay phản lực mới trong vòng 5-6 năm tới. Ngoài ra, công ty sẽ chỉ ra mắt một chiếc vào giữa thập niên tới nếu có công nghệ để giảm đáng kể tác động môi trường của máy bay so với các máy bay hiện hữu.

Trong một bài thuyết trình cho nhà đầu tư hôm 2.11, Calhoun cho biết “có thể mất nhiều thời gian” để phát triển công nghệ cải thiện hiệu suất nhiên liệu cũng như giảm lượng khí thải carbon cho chiếc máy bay hạng trung mới, mà nhiều nhà phân tích tin để cạnh tranh với A321XLR một lối đi có tầm bay xa bán chạy của Airbus. Nếu Boeing không thể mang lại hiệu suất cao hơn nhiều, ít nhất 20%, thì “sẽ không cho ra mắt thêm chiếc máy bay nào nữa,” Calhoun cho biết.

Về yếu tố quan trọng nhất – động cơ – ông cho biết không có gì trong quá trình phát triển có thể mang lại hiệu suất nhiên liệu cao hơn 20% vào năm 2030. “Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ phát triển được hay thậm chí tạo bảng vẽ trong thập niên này.”

Chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Emirates cất cánh từ sân bay Pulkovo đến Dubai trong ngày 19.10.2022. Ảnh: Dmitri Lovetsky / Associated Press

Đó là một động thái quan trọng đúng thời điểm cho công ty, vốn đã bàn rất nhiều trong 5 năm trước về việc liệu có nên chế tạo ra chiếc máy bay hạng trung mới hay không. Đầu năm nay, Calhoun dường như đề nghị nên bắt đầu công việc thiết kế sau một vài năm.

Boeing có thể thiết kế chiếc máy bay tiếp theo tự động, nhưng lại không thể hoạt động mà không có phi công ngay từ đầu. Ông cho biết Wisk, một công ty ở California, trong đó Boeing sở hữu cổ phần kiểm soát đang phát triển máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng tự động 4 chỗ ngồi nhằm mục đích phục vụ như một chiếc taxi hàng không, là một trong những thành phần chính để phát triển công nghệ bay tự hành

Calhoun cho biết thêm ông không kỳ vọng taxi hàng không sẽ là dịch vụ hút khách, và “không ảnh hưởng đến mảng kinh doanh chính,” tuy nhiên Wisk đưa máy bay ra thị trường sẽ “giáo dục cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ” về cách chứng nhận sự an toàn cho máy bay tự hành, mở đường cho cách thức ứng dụng công nghệ trong hàng không thương mại theo những cách tạo ra mức tác động cao hơn.

Calhoun và giám đốc tài chính Brian West cố gắng cung cấp cho Phố Wall dự báo chi tiết đầu tiên kể từ trước khi máy bay 737 MAX đã bị cấm hoạt động trên toàn thế giới vào năm 2019. Ngoài ra, trong cuộc thảo luận về lợi nhuận quý 3 hồi tuần trước, họ cho biết đang xem dòng tiền tự do như một chỉ số quan trọng giúp công ty thực hiện những hoạt động thay đổi.

Boeing dự kiến ​​sẽ giao những chiếc máy bay 737 và 787 cuối cùng trong xưởng vào năm 2025, giải quyết những trở ngại nặng nề về tài chính trong việc lưu giữ cũng như tân trang lại chúng. West cho biết ông hi vọng điều đó sẽ giúp mảng kinh doanh máy bay thương mại của Boeing có lãi trở lại, thu về dòng tiền tự do 6 tỉ USD. Cùng với mảng kinh doanh máy bay quốc phòng của Boeing đạt được dòng tiền dương trở lại khi giải quyết được vấn đề phát sinh gây tốn kém trong những hợp đồng giá cố định với chính phủ, công ty dự kiến ​​sẽ có được dòng tiền tự do khoảng 10 tỉ USD mỗi năm trong giai đoạn 2025-2026, giúp họ trả bớt nợ, cân đối tài chính cũng như bắt đầu chia lợi nhuận cho các cổ đông trở lại.

Do Boeing vẫn đang giữ một số lượng máy bay cao bất thường – 270 máy bay 737 MAX đã hoàn thành và 115 chiếc 787 trị giá khoảng 23 tỉ USD – bàn giao chúng cho khách hàng để đạt được mục tiêu có dòng tiền tự do dồi dào sẽ “dễ dàng. . . ngay cả khi mọi thứ khác hoạt động chưa tốt,” nhà phân tích Ronald Epstein của Bank of America ghi trong báo cáo hồi đầu tuần này khi thắc mắc về quyết định công ty nhắn mạnh vào chỉ số này.

Epstein chỉ ra trong thời gian trước, cựu CEO Dennis Muillenburg vốn tập trung ngắn hạn vào dòng tiền tự do, góp phần gây ra nhiều rắc rối cho công ty giải quyết, bao gồm chiếc 737 MAX cấm bay, nhiều vấn đề về chất lượng của chiếc 787 và thua lỗ trong hoạt động kinh doanh máy bay quốc phòng. “Thật khó hơn nhiều khi thay đổi văn hóa vốn phát triển nhiều năm trong công ty nay lại phải chuyển đổi lại từ đầu.”

Boeing hi vọng sẽ tăng sản lượng 737 MAX trong năm tới từ số lượng thấp nhất 30 chiếc một tháng lên 40 chiếc trong nửa cuối năm, và cuối cùng lên 50 chiếc một tháng vào những năm 2025-2026, cùng với 10 chiếc 787 một tháng và bốn chiếc 777X chưa đủ điều kiện để chứng nhận bay. Boeing đặt mục tiêu giao 400 đến 450 máy bay MAX trong năm tới và ghi nhận dòng tiền tự do từ 3 tỉ USD đến 5 tỉ USD, tăng so với lượng dự báo 375 chiếc trong năm nay với dòng tiền tự do từ 1,5 tỉ USD đến 2 tỉ USD.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra rủi ro cho những dự báo đó, nhưng Boeing cho biết điều đó không cản trở công ty khôi phục lại hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, nhà phân tích Robert Stallard của Vertical Research Partners tin công ty không thể tăng sản lượng như kế hoạch nếu tình trạng đóng băng ở đó vẫn tiếp tục.

“Với thành tích thực hiện và dự báo tăng trưởng của công ty trong những năm gần đây, chúng tôi hơi hoài nghi về khả năng công ty đạt được những mục tiêu, đặc biệt trong năm tới hoặc nhiều năm nữa,” Stallard viết trong báo cáo hôm 2.11.

Giá cổ phiếu của Boeing tăng 2,8% trong ngày 2.11, với giá đóng cửa ở mức 147,41 USD.

Biên dịch: Gia Nhi