Bà Sri Mulyani Indrawati tin tưởng kinh tế Indonesia sẽ tiếp tục tăng trưởng với động lực từ thị trường nội địa.
Chia sẻ với Forbes trong khuôn khổ hội nghị Forbes Global CEO diễn ra tại Singapore hôm 11.9, bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết nhu cầu từ thị trường nội địa sẽ giúp Indonesia giữ nhịp tăng trưởng kinh tế, sau khi quốc này đạt mức tăng trưởng ấn tượng 5% mỗi quý trong bảy quý qua.
“Indonesia đã gặp thuận lợi khi nền kinh tế vẫn đứng vững và nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường nội địa,” bà Sri Mulyani Indrawati cho biết.
Trong quý 2.2023, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tăng 5,17% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng trưởng 5,04% của quý 1.2023. Kết quả này có động lực từ chi tiêu hộ gia đình tăng 5,23% so với năm 2022, thu nhập tăng và kiềm chế lạm phát thành công. Ngân hàng trung ương Indonesia dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ đạt đến 5,3% trong năm 2023.
Trước đó tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ, bà Sri Mulyani Indrawati lưu ý Indonesia đã thành công trong việc kiểm soát thâm hụt ngân sách sau đại dịch COVID-19, khi mức thâm hụt được phép tăng hơn giới hạn 3% GDP. Trong năm 2023, thâm hụt ngân sách của nước này được dự báo sẽ chỉ ở mức 2,3% GDP. Bà cho biết một số bộ trưởng tham dự hội nghị G20 đã thể hiện “sự ngưỡng mộ và ghen tị” về thành công của Indonesia trong kiểm soát thâm hụt ngân sách.
Trong tháng 1.2023, tỉ lệ lạm phát của Indonesia ở mức 5,28%, giảm xuống 3,08% vào tháng 7.2023 trước khi tăng trở lại lên 3,27% trong tháng 8 vừa qua. Bà Sri Mulyani Indrawati đưa ra yếu tố quan trọng khiến tình hình lạm phát toàn cầu gia tăng nằm ở chuỗi cung ứng, vấn đề mà chính phủ các nước đang tìm cách giải quyết.
Theo bà Sri Mulyani Indrawati, năm 2023 là một năm thách thức đối với nền kinh tế, trong đó hoạt động giao thương giảm xuống. Tuy vậy, bà cho biết Indonesia có nhiều lý do để lạc quan trong bối cảnh lạm phát toàn cầu.
Biên dịch: Minh Tuấn
1 năm trước
Indonesia có tỉ phú mới sau khi Cinema XXI IPO