Doanh nghiệp

Blue Origin phóng thành công tên lửa du lịch không người lái vào vũ trụ

Ngày 19.12, Blue Origin, công ty hàng không vũ trụ của Jeff Bezos, phóng thành công tên lửa du lịch không người lái vào vũ trụ từ phía tây bang Texas.

Share
this:

Đây là lần phóng thử nghiệm thành công đầu tiên kể từ khi sự cố làm tên lửa nổ tung chỉ sau 1 phút rời bệ phóng hồi tháng 9.2022. Sự cố đó khiến chương trình New Shepard tạm ngừng hơn 1 năm để điều tra nguyên nhân.

Tên lửa New Shepard được phóng lúc 10 giờ 43 sáng theo múi giờ miền Đông mang theo thiết bị nghiên cứu khoa học – công nghệ dùng để thu thập dữ liệu và tiến hành thí nghiệm trong không gian – cùng với 38.000 tấm bưu thiếp gửi vào vũ trụ từ câu lạc bộ phi lợi nhuận vì tương lai (Club for the Future).

New Shepard của Blue Origin bay vào vũ trụ mang theo Michael Strahan, người dẫn chương trình Good Morning America, Laura Shepard Churchley, con gái của phi hành gia Alan Shepard và bốn du khách khác vào ngày 11.12.2021. Ảnh: Getty Images/ Forbes

Sau 4 phút cất cánh, New Shepard đạt độ cao tối đa 107.060 m trước khi bắt đầu quay trở lại Trái đất. Tên lửa hạ cánh an toàn xuống bãi đáp, khoảng 7 phút 28 giây sau khi cất cánh.

Phóng thử nghiệm thành công là bước tiến quan trọng trong kế hoạch đưa du khách đến rìa vũ trụ của Blue Origin.

Trước sự cố trong năm 2022, tên lửa New Shepard đã thành công đưa 31 du khách lên vũ trụ, bao gồm nam diễn viên đóng loạt phim Star Trek và Bezos. ​

Theo kế hoạch lúc đầu, công ty dự kiến phóng New Shepard vào ngày 8.12 nhưng do “sự cố của hệ thống mặt đất” nên lịch phóng bị thay đổi.

Thông tin đăng trên trang web của Blue Origin cho biết tàu New Shepard được phát triển cho du lịch vũ trụ cũng như thiết kế để chứa 6 du khách. Mỗi tour du lịch trên tàu vũ trụ New Shepard sẽ kéo dài 11 phút.

Blue Origin chưa thông báo giá vé cho tour du lịch trên tàu New Shepard nhưng hồi năm 2018 truyền thông đăng tin rằng tour sẽ có giá ít nhất 200.000 USD. Nhưng chiếc vé đầu tiên được bán với giá 28 triệu USD trong cuộc đấu giá trực tuyến vào năm 2021.

Theo Ars Technica, Blue Origin chi 100 triệu USD/năm để bảo trì và vận hành tên lửa New Shepard.

Blue Origin cũng tiếp tục cải tiến tên lửa New Glenn có tải trọng lớn mà NASA dùng chở tàu vũ trụ thực hiện sứ mệnh cuối cùng trên sao Hỏa. Dự kiến sứ mệnh đó sẽ bắt đầu vào năm 2024. Blue Origin đầu tư hơn 2,5 tỉ USD để phát triển tên lửa.

Theo định giá của Forbes, Bezos đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách người giàu nhất thế giới tính đến ngày 19.12, với giá trị tài sản ròng ước tính 176 tỉ USD.

Bezos thành lập Blue Origin vào tháng 9.2000 và từ đó trở thành nhà thầu quốc phòng cũng như dẫn đầu về công nghệ vũ trụ cùng với SpaceX của Elon Musk và Virgin Galactic của Richard Branson.

Biên dịch: Gia Nhi

———————-

Xem thêm:

Virgin Galactic chở thành công những vị khách đầu tiên đến rìa vũ trụ
Châu Âu hợp tác với SpaceX đưa vệ tinh lên quỹ đạo