Sau hơn 10 năm phiêu du và viết lách, Đinh Hằng đã trở thành nguồn cảm hứng cho những người yêu khám phá và khát khao sống thật với chính mình.
Đêm đầu tiên Đinh Hằng đến thành phố Alexandria trong chuyến thăm thú Ai Cập – Jordan, súng đã nổ và người biểu tình đầu tiên đã chết. Đó là một ngày tháng 11.2011, nằm trong chuỗi biến động chính trị còn được nhắc tới với tên gọi “Mùa xuân Ả Rập”. Cô phóng viên mảng kinh tế – tài chính 24 tuổi đã hủy chuyến du lịch, quay trở lại khu vực quảng trường Tahrir để viết bài. “Đó là một quyết định liều lĩnh,” Đinh Hằng nhớ lại. Từng có thời điểm cô ngạt hơi cay, cổ họng tắc nghẹn, mắt đỏ quạch, kẹt trong đám đông hỗn loạn đang tháo chạy khỏi cuộc tấn công hơi cay từ phía cảnh sát.
Trải nghiệm đó hoàn toàn trái ngược với cuộc sống yên bình thường ngày trước đây của Hằng. Kết quả chuyến đi là một bài viết chiếm gần trọn trang cuối của báo Thanh Niên và một tuần cô thao thức không ngủ. Tiếng nổ, tiếng hét, tiếng xe cấp cứu và tiếng hô khẩu hiệu của hàng ngàn người ngày ngày đổ xuống quảng trường Tahrir bám riết Hằng trong từng giấc ngủ những ngày sau đó. “Cuộc sống của tôi vẫn rất tốt, nhưng tôi cảm thấy có gì đó không ổn. Tôi không muốn mình sống như thế này mãi,” cô nhớ lại.
…
Lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, Đinh Hằng trải qua những năm tháng cấp ba bận rộn với các kỳ thi học sinh giỏi và mang về hàng loạt giải thưởng, trong đó có giải nhì quốc gia môn văn, đồng nghĩa tấm vé tuyển thẳng vào những đại học danh tiếng nhất. Thay vì chọn các ngành “sang chảnh” như ngoại thương, ngân hàng, quan hệ quốc tế, cô quyết định vào khoa Báo chí của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, dù vấp phải sự phản đối từ giáo viên và gia đình, vốn theo truyền thống sư phạm.
“Tôi nhận thức được mình có và không có khả năng với điều gì, vậy nên tôi đã chọn con đường mình có thể đi tốt nhất,” Hằng giải thích. Sau khi tốt nghiệp, cô trở thành phóng viên, sau đó là biên tập và quản lý nội dung tại HTV Chuông gió, FBNC và nhiều tòa soạn khác. “Đó là một công việc vất vả nhưng hào nhoáng, ổn định, lương cao so với bạn bè đồng trang lứa.”
Nhưng rồi chuyến đi Ả Rập và những gì xảy ra ngay sau đó đã thay đổi cuộc sống của cô gái trẻ mãi mãi. Tuổi 25 của Đinh Hằng bắt đầu bằng việc bị người yêu lừa dối và bỏ lại ngay trước ngưỡng cửa hôn nhân sau năm năm bên nhau. “Đó là bản lề thay đổi cả thế giới của tôi,” cô nhận định.
Với trái tim tan vỡ, cô nghỉ việc, xốc chiếc ba lô 34kg và thực hiện năm ‘gap year’ của đời mình (gap year thông thường là khoảng thời gian các bạn trẻ sắp lên đại học tham gia các hoạt động tình nguyện, chuyến thám hiểm, các khóa học ngắn hạn hoặc làm việc để tích lũy thêm kinh nghiệm trước khi học đại học).
Đinh Hằng trải qua một tháng mùa đông ở Hàn Quốc, sáu tháng tại Mỹ, hai tháng lang bạt ở Mexico rồi sau cùng là hai tháng tại Cuba. Những ngày tháng xê dịch đã giúp cô “thoát xác”.
Hằng bắt đầu chia sẻ những chuyến đi của mình lên mạng xã hội, ban đầu là blog Yahoo 360, sau đó là Facebook. Thời điểm tên tuổi Đinh Hằng được biết đến rộng rãi hơn là khi cuốn du ký đầu tiên Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ xuất bản năm 2015. Đây cũng là quyển sách thành công nhất tính tới thời điểm hiện tại của blogger du lịch này, đến nay vẫn nằm trong top bốn sách du ký bán chạy nhất qua các năm của Tiki.
Trong cuốn sách đầu tay, Hằng kể lại chuyến phiêu du từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ của chính mình – một cô gái 25 tuổi vừa mất đi tình yêu, không việc làm, với hành trang là chiếc ba lô nặng 34kg và căn bệnh trầm cảm còn nặng nề hơn hành lý mang theo. Kết thúc hành trình tại xứ sở cờ hoa, thứ nhân vật chính tìm thấy không phải là một bạch mã hoàng tử, mà là mục đích sống và tình yêu dành cho chính bản thân mình.
“Quá trẻ để chết là quyển sách giúp tôi hồi phục phần nào tổn thương từ một cuộc chia tay. Nhờ Đinh Hằng, tôi học được cách trân trọng cảm xúc của mình, kể cả là yếu đuối, đau đớn, mạnh mẽ hay tự tin,” Phạm Thanh Ngân, độc giả 22 tuổi vừa biết đến nữ blogger từ cuối năm 2020 cho biết.
Những trang du ký của Đinh Hằng khác biệt nhờ câu chuyện riêng của chính tác giả, đan cài giữa những hình ảnh các vùng đất xa lạ ẩn chứa cảnh quan hùng vĩ và đời sống văn hóa bản địa đặc sắc. “Hằng đi xa, đi lâu, leo cao, lặn sâu, bay dài và trải nghiệm nhiều trong những hành trình đầy phức cảm. Cô ấy chia sẻ những điều rất đời, rất chân thực và dễ dàng tạo ra sự đồng cảm nơi người đọc,” nhà báo Trung Dũng lý giải sức hút ngòi bút của nữ blogger.
Độc giả đến với Đinh Hằng vì đồng cảm, vì khao khát được như cô hoặc vì cả hai lý do trên. “Câu chữ, cách trình bày lớp lang, trau chuốt, đặc biệt tư tưởng tự do theo đuổi đam mê và thể hiện bản thân đã khiến tôi – một người vẫn loay hoay với cuộc đời mình – vô cùng ngưỡng mộ,” Phạm Ngọc Đan Thanh, 28 tuổi, một bạn đọc theo chân Đinh Hằng từ cuốn sách đầu tiên cho biết.
Năm 2016, Hằng ra mắt cuốn sách thứ hai Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á, trong đó người đọc có dịp theo chân cô đi khám phá vẻ đẹp và sự phong phú muôn màu của những nước láng giềng “vừa quen vừa lạ”.
Năm năm sau, cuốn sách thứ ba Người tình Havana ra đời, khiến những người theo dõi hành trình sáng tạo của cô ngạc nhiên trước một Đinh Hằng mới, sải bước giữa thủ đô Cuba lộng lẫy nhưng điêu tàn, “vẫn giữ cái nhìn róng riết với cuộc đời nhưng nồng nàn, mẫn tuệ hơn, vẫn giữ những nét cá tính rất riêng nhưng đã lùi lại, quan sát ngẫm nghĩ nhiều hơn,” theo lời nhận xét của nhà báo Trung Dũng, người có 15 năm quen biết và làm việc cùng Hằng.
Quyển sách đã dẫn đầu danh sách những cuốn sách du ký bán chạy nhất của Tiki từ thời điểm ra mắt tháng 2 đến tháng 4.2021. Đây cũng là cuốn du ký duy nhất do một tác giả tự xuất bản làm được điều này.
Đầu nhuộm bạch kim đã lên chân tóc đen, mặt không son phấn, mặc áo sơ mi xanh nhạt không tay để lộ cánh tay rám nắng phủ đầy các hình xăm đánh dấu những trải nghiệm viễn du, Đinh Hằng ban đầu dễ tạo cảm giác xa cách vì giọng nói tông trầm, tốc độ nhả chữ nhanh, và ngữ điệu ít lên xuống. Tuy vậy khi ly cà phê dần cạn, người đối diện sẽ nhận ra mình bị cô gái có đôi mắt biết nói, thích chia sẻ, chịu lắng nghe và không ngại phản biện này thu hút từ lúc nào.
Cách nói chuyện ngoài đời của Đinh Hằng trùng khớp những gì cô thể hiện trên mạng xã hội: thẳng thắn, tự tin, luôn biết mình muốn gì và cần gì. “Tôi chưa từng tự xưng mình là một blogger du lịch và cũng không dự định làm một influencer (người tạo ảnh hưởng) cả đời. Nếu kiếm thêm được tiền từ việc du lịch thì tốt, nhưng không có cũng chẳng sao,” Hằng nói về danh xưng đã theo mình hơn 10 năm nay.
Thời điểm Hằng bắt đầu chia sẻ đam mê xê dịch lên mạng xã hội năm 2011, blogger du lịch vẫn còn là một nghề nghiệp xa lạ tại Việt Nam. Cô gái trẻ từng nhiều lần bị nghĩ sai và chịu điều tiếng là một kẻ rảnh rỗi chỉ biết đi chơi và đăng tải hình lên mạng xã hội. Cô cho biết mình tự trang trải cho những chuyến viễn du nước ngoài kéo dài hàng tháng với tần suất dày đặc bằng một công việc freelance trong mảng dịch vụ, những bài viết du lịch cộng tác với các tòa soạn, đồng thời quản lý các dự án truyền thông.
“Blogger du lịch là một công việc đòi hỏi đầu tư trước, sau đó nếu may mắn sẽ có nguồn thu trở lại. Tôi làm vì đam mê, chứ không phải vì kỳ vọng một ngày nào đó nhãn hàng sẽ thuê mình,” Hằng nhấn mạnh.
Năm năm gần đây, cùng với sự phát triển của số người dùng mạng Internet và tỉ lệ người dùng tích cực trên mạng xã hội tăng vọt tại Việt Nam, các blogger du lịch dần trở nên quen thuộc hơn và trở thành kênh quảng bá được nhiều doanh nghiệp tìm đến. Trong mắt nhiều người, blogger du lịch là công việc trong mơ, nhưng trên thực tế, nghề này cũng sở hữu mặt trái.
Họ luôn phải đối diện rủi ro sức khỏe, thậm chí tính mạng, khi đi du lịch. Theo lời Hằng, cuộc sống của cô không thiếu những ngày mệt mỏi vì di chuyển liên tục, kiệt quệ vì sức khỏe sa sút, cô đơn khi đổ bệnh ở nơi xa lạ. Bên cạnh đó, mọi phát ngôn trên mạng xã hội của các blogger cũng là tâm điểm chú ý của người hâm mộ và cả anti-fan (những người chống đối).
“Nếu xem blogger du lịch là một nghề để kiếm tiền, ta sẽ luôn so đo những gì mình bỏ ra có xứng đáng hay không. Còn nếu xem là đam mê, bạn sẽ ít cảm thấy áp lực hay mệt mỏi,” cô nhận định.
Trong khi nhiều người vẫn đang tìm kiếm mục đích sống của đời mình, hay thậm chí còn chưa kịp tự vấn bản thân về điều này, Đinh Hằng chỉ mất sáu tháng của tuổi 25, trải qua hàng loạt sự kiện và cung bậc cảm xúc, để “thức tỉnh”.
“Tôi nhận ra mình muốn kéo dài sự sống của mình, ngay cả sau khi chết, bằng những gì mình viết: những cuốn sách, bài đăng Facebook, blog… có sức lay động, truyền cảm hứng và tạo động lực thúc đẩy và thay đổi cuộc đời người đọc nó,” Hằng chia sẻ. Đó là lý do cô vẫn trung thành với cách tái hiện các chuyến xê dịch bằng con chữ và hình chụp, thay vì các hình thức nội dung khác thời thượng hơn, chẳng hạn như video đăng tải trên YouTube hay TikTok.
Với Hằng, hạnh phúc luôn song hành với tự do. Tuy vậy tự do này không phải là giữ lối sống độc thân, không vướng bận gia đình hay bất kỳ ràng buộc nào khác, mà là không để người khác định nghĩa hạnh phúc của chính mình. “Tôi rất sợ hình ảnh công chúa ngủ trong rừng đợi hoàng tử đến đánh thức. Vì sao lại đặt hạnh phúc của mình vào tay người khác?” cô đặt câu hỏi.
…
Cũng bởi mang tâm hồn yêu tự do, Hằng mới tìm đến các miền đất mới. 34 tuổi, cô đã gạch gần hết bucket list (danh sách những việc cần làm trong đời) của mình. Hằng đã đặt chân tới hoang mạc Sahara khô cằn, đu dây xuống lòng hang cao 72m tại Brazil, lặn xuống lòng nước lạnh buốt để ngắm nhìn những măng đá cao nhất thế giới, ngồi trên xe băng lướt qua con đường trắng xóa giữa bão tuyết…
Nhưng thứ níu giữ tâm hồn cô tại mỗi nơi không phải là cảnh thiên nhiên đẹp say lòng người, những công trình kiến trúc kỳ vĩ mà chính là con người. “Nếu có luân hồi, tôi nghĩ kiếp trước mình là một thương nhân trên con đường tơ lụa, hoặc một thủy thủ viễn dương. Kiếp này tuy khác, nhưng tôi vẫn rong ruổi khắp thế giới, quay trở lại chốn cũ và gặp lại những tâm hồn quen thuộc kia,” Hằng nói, mắt ngời lên niềm vui khi nhắc đến vùng trời rộng lớn đang đón chờ cô tiếp tục khám phá.
*Tựa theo bản in “ Đam mê dẫn lối hành trình”, Danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng, Forbes Việt Nam số 92 phát hành tháng 4.2021.*
3 năm trước
Làm cách nào để cân bằng tâm – thân – trí?