Phát triển mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ blockchain vào ngành y tế, tiến sĩ Quy Võ – Reinhard muốn thay đổi cách lưu trữ và sử dụng dữ liệu y tế, đồng thời xóa bỏ những định kiến về nữ giới làm công nghệ.
Gương mặt không trang điểm, áo thun sáng màu, gọng kính cận màu đỏ, tiến sĩ Quy Võ – Reinhard, hay Võ Cẩm Quy trông trẻ trung hơn so với độ tuổi ngoài 40 khi trả lời phỏng vấn trực tuyến với Forbes Việt Nam vào một ngày cuối tháng hai. Từ căn hộ của mình tại thị trấn Zug, phía nam Zurich (Thụy Sĩ), nhà khoa học gốc Phú Yên từng được bình chọn là người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực công nghệ blockchain (chuỗi khối) châu Âu trong sự kiện BlockShow Europe 2018 đã mở đầu câu chuyện bằng hồi tưởng về những năm 2015, 2016, thời điểm công nghệ blockchain còn xa lạ.
“Tất cả bắt đầu từ một bài viết trong sách trắng của viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ về tính bảo mật, riêng tư của công nghệ blockchain vào năm 2015. Mình nhìn thấy ngay tiềm năng và tính ứng dụng của nó từ thời điểm ấy,” chị Quy kể.
Từ bỏ sự nghiệp học thuật, Võ Cẩm Quy khởi nghiệp với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất dữ liệu y tế và đang góp sức thay đổi cách số đông suy nghĩ về phụ nữ làm công nghệ, theo đuổi đam mê.
Sau bài viết năm 2015 đó, chị Quy vừa làm việc vừa học các kiến thức về công nghệ blockchain, bằng việc đọc tài liệu, dự các hội thảo của các tổ chức, tập đoàn đang phát triển, ứng dụng công nghệ này. Cũng từ những hội thảo này, chị gặp giáo sư Eberhard Scheuer, một chuyên gia về mã hóa kỹ thuật số (tokenization) và đến năm 2017, hai người đồng sáng lập công ty dHealth Foundation, chuyên về truy xuất dữ liệu y tế ứng dụng blockchain.
Nền tảng dHealth trước tiên phục vụ khách hàng cá nhân, cho phép người sử dụng theo dõi dữ liệu sức khỏe của mình cũng như tham gia kiếm tiền từ chính nguồn dữ liệu này. Hơn thế, đây còn là một nền tảng mở phục vụ các đối tác doanh nghiệp trong ngành y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Dựa trên công nghệ và sự hỗ trợ từ đội ngũ dHealth, các đối tác B2B có thể tự xây dựng những công cụ mã hóa và quản lý cho cơ sở dữ liệu của riêng mình.
Lấy ví dụ bằng câu chuyện của y tế Việt Nam cho dễ hình dung. Lâu nay, việc truy xuất nguồn gốc thông tin bệnh án, lịch sử khám bệnh của bệnh nhân còn khó khăn. Một bệnh nhân muốn đổi cơ sở khám chữa bệnh thì thường phải khám lại từ đầu do cơ sở mới không sử dụng hoặc không có đủ thông tin về bệnh án cũ. Điều này không chỉ làm bệnh nhân tốn thêm rất nhiều chi phí, mất thời gian mà còn gia tăng công việc cho ngành y tế một cách không cần thiết.
Theo chị Quy, nếu dữ liệu được quản lý và truy xuất ứng dụng công nghệ blockchain thì bác sĩ có khả năng truy cập hồ sơ bệnh án của bệnh nhân từ nhiều nơi khác nhau. Mọi hoạt động truy cập đều được ghi lại và dữ liệu không thể bị xóa hay sửa. Bệnh nhân nắm quyền bảo mật dữ liệu một cách tuyệt đối và bác sĩ chỉ có thể truy xuất dữ liệu dưới sự đồng thuận của người bệnh.
Công nghệ blockchain với đặc trưng bảo mật và phân quyền, dHealth Foundation giúp các đối tác doanh nghiệp xây dựng công cụ riêng, đảm bảo được quyền sở hữu thông tin mà không cần phải tự xây dựng một hệ thống xử lý dữ liệu từ đầu đến cuối. Nhờ vậy, cắt giảm được chi phí và các khâu trung gian.
“Hiện tại, blockchain đã là thứ mà mọi ông lớn trong ngành dược phẩm – y tế cần nhất và rất muốn làm chủ”, chị Quy nói và nhấn mạnh công nghệ blockchain đang giúp củng cố các phương thức chăm sóc sức khỏe thông qua tăng cường cả số lượng và phẩm chất của dữ liệu y tế, trong khi vẫn đảm bảo được tính bảo mật.
Chị Quy cho rằng ngành blockchain đang thu hút sự chú ý lớn của xã hội và sẽ phát triển rất nhanh, nên việc cần tiếp tục và không ngừng học hỏi là điều rất quan trọng. Chị hi vọng cộng đồng khởi nghiệp chú ý ứng dụng blockchain vào sáng tạo công nghệ, hơn là chỉ quan tâm tới những ứng dụng bề nổi như tiền mã hóa hay NFT.
Ngã rẽ trở thành doanh chủ và đến với blockchain, theo tiến sĩ Võ Cẩm Quy là hành trình bước ra vùng an toàn, từ bỏ con đường đã được định sẵn để đi tìm và tìm được đam mê, sống với đam mê đó. Chị Quy là một trong những sinh viên đầu tiên được đào tạo chính quy ngành công nghệ sinh học tại trường đại học Khoa học tự nhiên, đại học Quốc gia TP.HCM và được giữ lại trường công tác, tham gia giảng dạy nghiên cứu.
Năm 25 tuổi, chị đã là phó trưởng khoa Sinh học. Chị nghỉ việc, đi học tiến sĩ ngành Y – Sinh học Tính toán (Computational Biomedicine) tại đại học RWTH Aachen và tham gia nghiên cứu, thỉnh giảng ở đại học Concordia (Canada) và đại học Stuttgart (Đức). Sau 15 năm theo đuổi con đường học thuật, chị bỏ hết, đi học thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại đại học Kinh doanh và Luật EBS (Đức) và khởi nghiệp. Dự án đầu tiên về dịch vụ tối ưu hoạt tính enzyme được chính phủ Đức bảo trợ, mang đến thành công ban đầu cho chị và đội ngũ. Đây là điểm tựa để chị tiếp tục tìm được niềm cảm hứng khởi nghiệp mới từ công nghệ blockchain.
Chị Quy cho rằng, hiện tại trong giới công nghệ nói chung và ngành blockchain nói riêng, nữ giới vẫn là thiểu số. Chị là một trong số những người nữ hiếm hoi trong giới blockchain được số đông thừa nhận trình độ, nhờ vào nền tảng kiến thức vững vàng và kinh nghiệm nhiều năm trong môi trường công nghệ và học thuật. “Ngành công nghệ cho đến giờ vẫn là sân chơi của nam giới. Họ chiếm số đông và có được những mạng lưới quan hệ lớn, nhiều trợ lực đáng kể, trong khi phụ nữ phải thường xuyên đối mặt với những thiên kiến, nghi ngờ về năng lực,” chị Quy nhận xét.
Tại Việt Nam, nữ giới cũng gặp rất nhiều rào cản vô hình như vậy, cộng với suy nghĩ cho rằng phụ nữ đến tuổi nào đó cần phải lấy chồng, sinh con và lo việc gia đình đang khiến nhiều phụ nữ trẻ tuổi không thể theo đuổi đam mê.
Chị Quy cho rằng một người phụ nữ có thể “đa nhiệm” khi người bạn đời cũng “đa nhiệm” không kém, tức hai bên cùng chia sẻ công việc gia đình, trân trọng sự nghiệp và lý tưởng của nhau. “Bây giờ không chỉ phụ nữ mà đàn ông cũng phải giỏi việc nước đảm việc nhà. Đảm việc nước giỏi việc nhà không phải là tiêu chuẩn hoàn hảo của riêng phụ nữ,” chị Quy nói.
Làm việc nhiều năm ở nước ngoài, chị Võ Cẩm Quy mong mỏi cống hiến cho quê hương. Đó là lý do chị tham gia vào nhiều mạng lưới kết nối trí thức Việt Nam tại nước ngoài như Mạng lưới học giả quốc tế Việt Nam, hiệp hội trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sĩ, hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global). Chị đặc biệt tâm huyết với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (V-Space Global), nơi tập hợp các chuyên gia và cộng đồng khởi nghiệp. Chị Quy nhìn nhận, các bạn trẻ khởi nghiệp thiếu rất nhiều, từ vốn, người hướng dẫn đến đồng đội và một cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy, qua V-Space, các bạn trẻ có thể đem ý tưởng kinh doanh của mình đến gặp các “tiền bối” để kiểm chứng, được hướng dẫn và đào tạo kỹ năng.
Với những nhóm yếu thế trong xã hội như trẻ em, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn, chị Quy dành nhiều tình cảm và cố gắng hỗ trợ. Dự án EMPOWER (ghép từ Em và Power) do chị đồng chủ trì, với sự tham gia của 50 nữ lãnh đạo người Việt trên toàn cầu, giúp các bạn nữ định hướng mục tiêu cuộc đời, phát triển tư duy và sức mạnh nội tâm của phụ nữ. Qua EMPOWER, chị Quy hi vọng chị em phụ nữ khởi nghiệp có thêm những hình mẫu để lắng nghe, học hỏi và hình thành cộng đồng có tiếng nói để giúp đỡ lẫn nhau.
Về tinh thần nữ doanh chủ, chị Quy cho rằng bắt tay vào khởi nghiệp cũng như bắt đầu bất kỳ công việc gì, đều cần tinh thần dám nghĩ dám làm, và có một kế hoạch bền vững.Nhìn lại mình thời trẻ, chị Quy muốn khuyên chính mình hai điều. Một là hãy luôn tin mình làm được, rằng “thuyền trôi đến cầu sẽ tự thẳng hướng,” vì thế người lãnh đạo không bao giờ được phép chấp nhận bỏ cuộc. Hai là luôn có kế hoạch dự phòng cho mọi tình huống, từ xấu vừa cho đến tệ nhất.
Nói về mình của hiện tại, chị Quy nói vui mình là bà mẹ của ba đứa con nhỏ, gồm dHealth, V-Space và cậu con trai ba tuổi mang hai dòng máu Thụy Sĩ và Việt Nam. Chị Quy tự hào về việc có thể vừa duy trì công việc, vừa luôn dành ít nhất năm tiếng mỗi ngày bên con. Mỗi tuần sẽ có một ngày mà mọi người không liên lạc được với tiến sĩ Quy Võ-Reinhard vì đó là ngày chị dành cho bé con ở nhà.
“Làm sao để tìm được hạnh phúc của cuộc đời, theo chị nghĩ là phải tìm được điểm giao thoa giữa đam mê, công việc mang lại thu nhập, điều bạn làm tốt nhất, và thứ mà thế giới đang cần,” nữ tiến sĩ ngành Y – Sinh học Tính toán đang là giám đốc dữ liệu và phát triển kinh doanh của mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ blockchain tại Thụy Sĩ đúc kết.
Bài viết theo Forbes Việt Nam số 103, tháng 3.2022
1 năm trước
1 năm trước
Sức mạnh ổn định của tiền mã hóa Tether nhờ đâu?