Biến đổi khí hậu là một thách thức lớn nhưng cũng là động lực để chúng ta có quyết tâm mạnh mẽ chuyển dịch mô hình tăng trưởng cho ĐBSCL từ nông nghiệp thành ba trụ cột lớn là nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ, đưa vùng ĐBSCL phát triển bền vững và đột phá.
Từ ngày xưa, Nam Bộ vốn là vùng đất mưa thuận gió hòa, nhưng người dân vẫn lưu truyền câu nói “Năm Thìn bão lụt” nhằm nhắc lại ký ức kinh hoàng về trận lũ xảy ra vào năm 1904 và 1952, các thiên tai thảm khốc được lưu truyền suốt thế kỷ 20 tại đây. Tuy nhiên từ năm 1980 trở lại đây, quy luật đó không còn đúng.
Các tác động của biến đổi khí hậu lên vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xảy ra một cách thường xuyên hơn, hình thái thời tiết cực đoan không chỉ diễn ra vào năm Thìn. Vấn đề biến đổi khí hậu, thiếu nước ở vùng ĐBSCL đã được cảnh báo từ lâu. Trước năm 1975, mùa khô tại vùng ĐBSCL vẫn xảy ra thiếu nước khi lưu lượng nước từ dòng Mekong đổ về chỉ 2.000m3/giây so với lưu lượng nước mùa mưa lũ có thể lên tới 40.000m3/giây.
Hiện tại, biến đổi khí hậu tác động đến vùng ĐBSCL trầm trọng hơn: mưa ít hơn, nước biển dâng cao, xâm nhập vào đất liền sâu hơn. Hầu như, mỗi ngày, chúng ta đều đọc và nghe được tin tức tiêu cực về sạt lở, khô hạn, xâm ngập mặn các vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản và cây ăn trái trọng điểm như Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang…
Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL đánh giá nhiều khu vực tại đây sẽ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng hơn trong giai đoạn 2030–2040. Nhiệt độ trung bình cao nhất trong mùa khô sẽ tăng, lượng mưa đầu vụ hè thu sẽ giảm, mùa mưa sẽ bắt đầu trễ hơn, diện tích đất bị ngập do nước lũ sẽ gia tăng, áp thấp nhiệt đới và bão có xu hướng xuất hiện thường xuyên hơn vào cuối năm…
Lý do của các hiện tượng tiêu cực này đến cả từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về khách quan, cuộc sống hiện đại ngày càng sử dụng nhiều phương tiện cơ giới, cơ khí từ nguồn năng lượng hóa thạch gây phát thải khí nhà kính.
Nông nghiệp là nguồn phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia vào năm 2020. Sản xuất nông nghiệp, một lĩnh vực kinh doanh then chốt của ĐBSCL phát thải nhiều khí nhà kính, trồng trọt, sản xuất lúa gạo chiếm khoảng một nửa (48%) lượng khí thải của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí CH4.
Bên cạnh đó không thể không nhắc đến nhân tố chủ quan của con người. Sự xuất hiện của các đập thủy điện phía thượng nguồn sông Mekong khiến nguồn nước về đồng bằng ít hơn, tác động tiêu cực tới sinh kế của khoảng 18 triệu dân, thúc đẩy làn sóng di cư và cản trở phát triển bền vững, hài hòa của vùng ĐBSCL.
Ngoài ra, việc khai thác cát, nước ngầm ở vùng ĐBSCL cũng đẩy nhanh tốc độ sụt lún, gia tăng tình trạng xâm nhập mặn. Theo nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), dọc các nhánh chính dài hơn 550km của dòng Mekong tại vùng đồng bằng châu thổ, bình quân mỗi năm có từ 33–55 triệu m3 cát bị khai thác, trong khi lượng cát được bồi đắp từ thượng nguồn về chỉ từ 2–4 triệu m3.
Viện Khoa học Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố số liệu cho thấy, mỗi năm ĐBSCL thiệt hại hơn 70.000 tỉ đồng do ảnh hưởng từ xâm nhập mặn, trong đó, Cà Mau là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất với khoảng 16.600 tỉ đồng.
Trước đây, tôi cùng với các chuyên gia ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tính toán và nhận thấy, một phần nước dòng Mekong bị giữ lại thượng nguồn để dùng cho các hồ thủy điện, còn lượng nước được dùng cho mục đích tưới tiêu sản xuất nông nghiệp không nhiều.
Sắp tới, khi Chính phủ Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam (Funan Techo Canal) thì nguồn nước về ĐBSCL có thể càng ít hơn, điều này làm trầm trọng tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn. Nếu dự án được tiến hành sẽ rất đáng lo ngại với môi trường và sự phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.
Thực tế, từ những năm 1980, người dân vùng ĐBSCL đã có nhiều cách thích ứng với biến đổi khí hậu: trồng lúa trong mùa khô, khi nước mặn xâm nhập thì nuôi tôm. Trong quá trình đi tìm lời giải cho bài toán sống chung, thích ứng với hạn mặn, nhiều mô hình sản xuất đã được người nông dân, các nhà khoa học thử nghiệm mang lại hiệu quả cao.
Chẳng hạn, vào mùa khô hạn ngập mặn, nông dân một số địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi mà không phụ thuộc vào cây lúa. Một số nơi, thay vì làm ba vụ lúa, bà con có thể chuyển sang nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái hoặc các mô hình lúa – tôm kết hợp. Ở nhiều nơi, do biến đổi khí hậu, nông dân thay vì trồng ba vụ lúa đã chuyển sang trồng cây ăn trái, hoặc mùa mưa trồng lúa còn mùa khô ưu tiên các cây màu ngắn ngày.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu, phân vùng sản xuất cho vùng ĐBSCL những giống cây trồng dựa trên tác động của biến đổi khí hậu. Ví dụ, nhờ cải tiến giống, chúng ta sở hữu nhiều loại gạo như ST24, ST25 ngon nhất nhì thế giới. So với các nền nông nghiệp trong khu vực, giống lúa Việt Nam đặc biệt, bình quân chỉ gieo trồng ba tháng là cho thu hoạch, không quốc gia trồng lúa nào có được điều này.
Đặc biệt, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển vùng ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”: Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, phát triển nông nghiệp bền vững theo phương châm phù hợp với điều kiện thực tế.
Nghị quyết 120 có ý nghĩa quan trọng, đã chính thức “cởi trói” cho người nông dân và các địa phương trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi, phát triển nông nghiệp bền vững gắn với tự nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho toàn vùng, giảm thiểu tối đa tác động của biến đổi khí hậu.
Thực tế, sau ngày Thống nhất đất nước, để giải quyết các khó khăn của nền kinh tế bao cấp, Việt Nam tập trung phát triển chính sách an ninh lương thực. Từ năm 1989, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo và đáng tiếc đến nay, chính sách và tư duy “an ninh lương thực” chưa thay đổi cho dù chúng ta luôn nằm trong tốp ba xuất khẩu gạo trên thế giới.
Quan điểm này duy trì quá lâu khiến nông dân nhiều địa phương tại ĐBSCL trồng lúa ở mọi nơi, dù biết năng suất không cao khi nước bị xâm nhập mặn. Để hỗ trợ nông dân sản xuất, chính quyền đã chi hàng ngàn tỉ đồng đắp bờ ngăn mặn, vốn đầu tư rất tốn kém nhưng giá trị tạo ra cho nông dân và nền kinh tế không tương xứng.
Diện tích trồng lúa của Việt Nam hiện tại đạt 7,3–7,5 triệu héc ta. Theo dự phóng của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn và Ngân hàng Thế giới, ngay cả khi diện tích lúa của Việt Nam giảm xuống ba triệu héc ta thì chúng ta vẫn đáp ứng nhu cầu lương thực cho người và thức ăn cho gia súc, đồng thời dư khoảng ba triệu tấn gạo để xuất khẩu.
Nghị quyết số 120 đã mở đường cho ĐBSCL phát triển, cho thấy không nhất thiết phải trồng lúa mọi nơi. Khi thay đổi quan điểm về an ninh lương thực, chúng ta sẽ thay đổi về cách nghĩ, cách hành động và có tầm nhìn khác về vùng ĐBSCL. Chẳng hạn, các địa phương chỉ cần giữ một diện tích đất lúa đủ cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Sau đó, họ có thể chuyển đổi canh tác linh hoạt sang cây trồng có năng suất và giá trị cao hơn.
Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngoài tác động tiêu cực cũng là động lực cho ĐBSCL chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các ngành công nghiệp – dịch vụ – du lịch. Cụ thể:
Thứ nhất, nghiên cứu cho thấy khu vực các tỉnh dọc biên giới Campuchia từ An Giang, Đồng Tháp, Long An rộng khoảng 1,5 triệu héc ta, thuộc loại màu mỡ, không thiếu nước ngọt, nước mặn cũng không xâm nhập được tới đó. Khi ĐBSCLchịu tác động mạnh về biến đổi khí hậu, vùng có thể trồng lúa ba vụ, đáp ứng vấn đề an ninh lương thực.
Nhưng lưu ý chính quyền phải hỗ trợ nông dân không canh tác kiểu cũ mà trồng lúa theo mô hình trung hòa carbon để vừa đạt sản lượng tốt, vừa hạn chế phát thải khí nhà kính và tăng khả năng cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bởi vì, xu hướng phát triển sắp tới của thương mại toàn cầu sẽ chú ý đến lượng khí thải carbon trong mỗi đơn vị hàng hóa xuất khẩu.
Trồng trọt và sản xuất lúa gạo đang tạo ra khoảng một nửa lượng phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp tại Việt Nam. Việc giảm bớt thâm canh lúa, sử dụng ít phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có thể giúp giảm ô nhiễm môi trường, khôi phục chất lượng đất, giảm phát thải các loại khí thải nhà kính.
Thứ hai, chúng ta nên thiết kế và quy hoạch lại đồng ruộng vùng ven biển. Mùa khô đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, rồi khi mưa xuống, rửa ruộng để cấy lúa. Nông dân trồng lúa rồi thả tôm càng xanh, loại tôm có giá cao hơn tôm sú để nuôi trồng chung. Đó là cách áp dụng Nghị quyết 120, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa giảm tác động của nước mặn.
Thứ ba, đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp sẽ kéo công nghiệp phát triển. Hiện nay, nông nghiệp ĐBSCL là nguồn cung cấp lúa, tôm cá chất lượng cao và nhiều loại thủy sản. Đây là đầu vào cho công nghiệp đông lạnh, công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu. Nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển song hành cùng công nghiệp chế biến, tạo ra giá trị thặng dư cho nông dân.
Thứ tư, đầu tư cho hạ tầng ĐBSCL. Vùng ĐBSCL đóng góp tới 90% xuất khẩu gạo, 65% xuất khẩu thủy sản, 70% trái cây xuất khẩu của Việt Nam nhưng là vùng trũng về đầu tư cơ sở hạ tầng so với cả nước. ĐBSCL chỉ có 6,7% chiều dài đường cao tốc cả nước, chỉ cao hơn Tây Nguyên và thấp hơn rất nhiều so với tỉ trọng diện tích, dân số cũng như đóng góp GDP của vùng cho cả nước. Việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cho vùng ĐBSCL như vài năm gần đây không chỉ giảm chi phí logistics cho lưu thông hàng hóa mà còn thu hút vốn đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ.
Biến đổi khí hậu là một thách thức lớn nhưng cũng là động lực để chúng ta có quyết tâm mạnh mẽ chuyển dịch mô hình tăng trưởng cho ĐBSCL từ nông nghiệp thành ba trụ cột lớn là nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ, đưa vùng ĐBSCL phát triển bền vững và đột phá.
1 năm trước
Ngành dệt may xanh hóa đến đâu?2 năm trước
Hành trình doanh nghiệp kiến tạo sự thay đổi1 năm trước
Nồng độ CO2 trong khí quyển cao kỷ lục