Dù châu Phi chỉ chiếm chưa tới 4% khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính, lục địa đen lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu
Toàn bộ ba dòng sông băng tại châu Phi đến năm 2040 sẽ biến mất, thể hiện “mối đe dọa không thể thay đổi” lên trái đất, theo báo cáo về xu hướng biến đổi khí hậu từ tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và liên minh châu Phi.
Theo báo cáo được công bố hôm 19.10, ba dòng sông băng gồm núi Kenya ở Kenya, núi Rwenzori ở Uganda và núi Kilimanjaro ở Tanzania, những địa điểm du lịch nổi tiếng và quan trọng với nghiên cứu khoa học đều có nguy cơ biến mất hoàn toàn vào năm 2040.
Trong đó, núi Kenya được dự đoán tan nhanh hơn 10 năm so với hai dòng sông băng còn lại do biến đổi khí hậu từ tác động của con người. Năm 2020 là năm nóng kỷ lục thứ ba ở châu Phi, theo dữ liệu báo cáo.
Trong thông cáo báo chí, giám đốc Petteri Taalas của WMO cho biết đầu tư vào phát triển năng lực và chuyển giao công nghệ là điều cấp thiết để hỗ trợ châu Phi thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này cũng dự đoán tác động lên nền kinh tế và tình trạng đói nghèo ở khu vực.
Báo cáo ước tính 118 triệu người châu Phi cực kỳ nghèo khó với mức sống dưới 1,9 USD/ngày sẽ đối mặt với hạn hán, lũ lụt và nắng nóng khắc nghiệt vào năm 2030. Sự thay đổi trên sẽ gây cản trở tới quá trình phát triển và nỗ lực giảm đói nghèo, ủy viên Liên minh Nông nghiệp châu Phi Josefa Sacko cho biết. Việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu có thể làm giảm tới 3% GDP của lục địa đen vào năm 2050.
Mặc dù châu Phi chỉ chiếm chưa tới 4% khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính, song lục địa này lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, Reuters đưa tin. Trong báo cáo ra mắt ngày 18.10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất tới sức khỏe con người, khi nhiệt độ nóng hơn đe dọa đẩy lùi quá trình cải thiện sức khỏe toàn cầu 50 năm.
Châu Phi chiếm hơn 1/10 số người mất đi nhà cửa trên toàn cầu, với hơn 1,2 triệu người do lũ lụt và mưa bão. 500.000 người phải rời khỏi nơi ở của họ do xung đột năm 2020.
Biên dịch: Minh Tuấn
1 năm trước
Nồng độ CO2 trong khí quyển cao kỷ lục