multi-media / Megastory

“Bí quyết trường thọ” của tỉ phú Úc Harry Triguboff

Harry Triguboff tuyên bố bí quyết trường thọ của mình là nhờ vào bác sĩ giỏi, cực kỳ giỏi. Hồi đầu tháng ba, ông được thông báo rằng có thể ông chỉ còn sống được một ngày nữa. Không có thời gian để gọi cho người nhà đến gặp mặt lần cuối.

Dịch lỏng đã tích tụ quanh trái tim của người sáng lập 91 tuổi của công ty phát triển bất động sản lớn nhất nước Úc, Meriton Properties. “Khuôn mặt của tôi biến thành như thế này đây,” Triguboff kể, dùng tay khua khoắng mô tả hình dạng bong bóng trên đầu. “Tôi cũng chẳng nhìn vào gương để xem nó như thế nào. Ở tuổi tôi rồi thì ai mà soi gương chứ?”

“Bác sĩ nói với tôi, ‘Tôi nghĩ xác suất thành công là 50–50. Và ngay cả khi chúng tôi thành công, có thể ông sẽ phải ngồi trên xe lăn. Vậy ông có muốn chúng tôi cố gắng cứu ông hay phó mặc số trời?’ Tôi trả lời, ‘Bác sĩ hãy cố gắng cứu tôi,’” ông vừa kể vừa cười vui vẻ. “Trong vòng hai giờ, bác sĩ đã giải quyết được vấn đề.”

Ngay đêm hôm sau, người giàu thứ ba nước Úc (tài sản ròng ước tính 16,6 tỉ đô la Mỹ) đã xem xét sổ sách ngay trên giường bệnh. Dù không có máy tính, ông vẫn xử lý chồng giấy tờ cao khoảng 15cm – nghi thức hằng tuần của ông là kiểm tra các số liệu của công ty mà ông thành lập cách đây 61 năm.

Là người Úc sinh ra ở Trung Quốc, ông nỗ lực nhiều hơn bất kỳ ai khác để định hình lại “giấc mơ Úc” – từ ước ao sở hữu ngôi nhà có sân sau biến thành mong muốn mua được căn hộ có phòng tắm hơi, ban công đẹp và trung tâm giữ trẻ. Ông đã quay trở lại làm việc ngay sau khi phẫu thuật xong.

Khoảng 3% người dân Sydney sống tại một trong 78.000 căn hộ mà Triguboff xây dựng kể từ khi ông bắt đầu sự nghiệp ở ngoại ô thành phố vào năm 1963. Suốt nhiều thập niên qua, ông là người đi đầu trong việc thuyết phục các cơ quan quản lý quy hoạch cho phép phát triển bất động sản với mật độ dày đặc hơn và ông thường thành công.

Hiện giờ, khi nước Úc đang rơi vào khủng hoảng nhà ở (tỉ lệ nhà trống cho thuê ở thủ đô khoảng 1%), ông có 4.500 căn hộ đang được xây và 5.000 căn hộ nữa đang chờ xây. Chính phủ Úc đặt ra mục tiêu xây dựng nhiều nhà ở hơn và điều này rất phù hợp với Tribuboff. Đồng thời, ông cũng được hưởng lợi rất nhiều từ tình trạng thiếu nhà ở.

Tom Forrest, người đứng đầu Urban Taskforce có trụ sở tại Sydney, cho biết: “Đôi khi tôi ước gì Harry đừng nói chắc chắn như vậy. Nhưng điều đó hoàn toàn đúng. Ông ấy là người có lợi nếu chính phủ không bổ sung nguồn cung, dẫn đến đẩy giá trị bất động sản của ông lên cao.” Ngay cả khi có những hạn chế quan liêu gây cản trở ngành này, khiến giá thuê và giá bất động sản tăng vọt, với tư cách là chủ sở hữu bất động sản lớn nhất nước Úc – danh mục cho thuê gồm 10 ngàn căn hộ – ông vẫn ở vị thế không thể thất bại.

Điều đó được chứng minh bằng kết quả tài chính cuối năm của Meriton. Doanh thu tăng 10% so với cùng kỳ lên 1,5 tỉ đô la Úc (985,1 triệu đô la Mỹ) trong 12 tháng tính đến tháng 6.2023, theo tài liệu nộp cho Cơ quan quản lý thị trường Úc. Thu nhập cho thuê của Merion tăng 36%, bù cho mức giảm 9% trong phần doanh thu bán nhà mới.

Harry Triguboff đi dọc hành lang văn phòng tầng 12 của mình ở Sydney trong nhiệt độ ấm áp lạ thường tỏa ra từ máy điều hòa – “Mr. Triguboff cảm thấy lạnh” nhân viên giải thích khi dẫn khách vào phòng họp. Các bức tường trong phòng treo đầy ảnh con cháu ông, tiệc sinh nhật của ông, hình ông với các cựu tổng thống Mỹ (George Bush cha và Bill Clinton) cũng như các thủ tướng của Úc và Israel, cho thấy rõ Meriton và chủ sở hữu 100% của doanh nghiệp này hòa cùng một thể.

Hành trình đáng kinh ngạc của Triguboff bắt đầu vào những năm 1930 ở Trung Quốc. Cha mẹ của ông, Moshe và Frida, chuyển đến Trung Quốc vào năm 1916, chạy trốn chủ nghĩa bài Do Thái ở Nga. Harry sinh ra ở đó năm 1933 và lớn lên ở Thiên Tân, cửa ngõ cảng dẫn vào Bắc Kinh, nơi được chia thành nhiều khu vực do các cường quốc châu Âu nắm giữ.

Khi được hỏi ký ức sâu sắc nhất của ông về những ngày còn nhỏ là gì, ông kể về cảnh nghèo khó; về những người lái xe kéo ăn rất nhiều và chết trẻ; và về những bà cụ bước đi một cách kỳ lạ. “Ở thành phố Thiên Tân, nhiều phụ nữ Trung Quốc bị bó chân. Họ sẽ bước đi bằng gót chân của mình.”

Nhật Bản chiếm Thiên Tân vào năm 1937, hai năm trước khi Hitler xâm chiếm Ba Lan. Tuy nhiên, phần lớn các khu vực do nước ngoài cai quản thì vẫn giữ nguyên. Triguboff nhớ lại: “Chúng tôi phải học tiếng Nhật.”

Sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng vào tháng 12.1941, các công dân Anh, Mỹ và Pháp bị vây bắt, nhưng người Nga được các quan chức Nhật Bản để yên. Nhờ đó, cha ông là Moshe có thể mở rộng hoạt động kinh doanh dệt may của mình.

Triguboff học ở trường Do Thái, nói ít tiếng Trung Quốc và viết chữ Trung Quốc. Sau chiến tranh, cha ông phải chật vật xoay xở để thanh lý số tài sản đáng kể đã tích lũy được. Không thể xin được thị thực cho chính mình, Moshe gửi hai con trai đến Sydney để con trai lớn Joseph đi học luật tại Đại học Sydney, và Harry, 14 tuổi, học trung học tại Scots College.

Cha mẹ ông cố gắng cùng hai con trai đến Úc, nhưng vì bị nghi ngờ hợp tác với người Nhật, họ không thể xin được thị thực. Khi Harry học xong, họ tìm được nơi định cư tại Nhà nước Israel mới và Moshe thành lập một nhà máy dệt ở đó. Harry tin mình sẽ làm việc cùng cha nên đã theo học ngành dệt may tại Đại học Leeds ở Anh trước khi tự mình chuyển đến Israel vào giữa những năm 1950.

Mọi chuyện không suôn sẻ. Triguboff kể: “Tôi nghĩ rằng tôi biết mọi thứ” sau khi học xong đại học và cãi nhau với bố. Vì vậy, mẹ ông yêu cầu ông và anh trai quay trở lại Úc.

Đầu tiên, Triguboff dành một năm làm việc trong lĩnh vực dệt may ở Nam Phi, nhưng rồi nhận ra dệt may là ngành đang suy thoái ở Úc khi ông trở về nơi này. Ông chuyển sang theo đuổi lĩnh vực bất động sản và làm giảng viên đại học, “nhưng tôi cũng không giỏi lắm về giảng dạy. Tôi không phải là một học giả.”

Một người bạn của ông khởi xướng ý tưởng xây căn hộ và cả hai đã mua lô đất ở Tempe, ngoại ô phía nam Sydney với giá vài ngàn bảng Úc (đơn vị tiền tệ vào thời điểm ấy).

Triguboff học ở trường Do Thái, nói ít tiếng Trung Quốc và viết chữ Trung Quốc. Sau chiến tranh, cha ông phải chật vật xoay xở để thanh lý số tài sản đáng kể đã tích lũy được.

Trong năm đó, họ bán những căn hộ đã hoàn thiện với giá 25.500 đô la Úc (tính theo giá trị thời điểm đó) và Triguboff xây dựng thêm nhiều công trình khác, bao gồm cả dãy nhà trên Phố Meriton ở ngoại ô Gladesville của Sydney.

Từ đó, ông thành lập Meriton Properties, được đăng ký vào năm 1968, một năm sau ông niêm yết công ty tại Sở Giao dịch Chứng khoán Sydney. Sau những gì Triguboff mô tả là mối quan hệ gay gắt với sàn giao dịch, ông chuyển công ty về chế độ sở hữu tư nhân vào năm 1973.

Năm 1974, ông đối mặt với mối đe dọa “sống còn” khi một bên cho vay ở Mỹ gặp rắc rối và yêu cầu tất cả các khoản vay phải được hoàn trả ngay lập tức. “Vì vậy, tôi nói, ‘Hãy cùng thương thảo nhé, tôi sẽ hoàn thành việc xây dựng và sẽ trả hết cho ông, nhưng đừng bảo tôi phải thanh toán theo yêu cầu.’ Và tôi đã thay đổi tất cả các điều luật thế chấp chết tiệt ở đất nước này – sẽ không có khoản thanh toán nào theo yêu cầu,” Tribugoff vừa đập bàn vừa gằn giọng từng chữ một.

Ông chia sẻ mình vượt qua các đối thủ vì có tham vọng khiêm tốn hơn. “Họ muốn phát triển quá nhanh. Các tòa nhà của tôi rất nhỏ. Những người khác lúc đó đang xây dựng những khu nhà lớn hơn. Sau đó tôi bắt kịp họ. Rồi tôi vượt qua họ. Tôi dần lớn mạnh tự nhiên, cậu hiểu không? Kiếm thêm 10.000 đô la Mỹ, rồi 20.000 đô la Mỹ, sau nữa là 100.000 đô la Mỹ, tiến tới một triệu đô la Mỹ và 10 triệu đô la Mỹ. Tôi có nhiều tiền hơn nên tôi đã phát triển hơn.”

Suốt chặng đường hoạt động, ông tự lĩnh ngộ được nhiều kiến thức quan trọng. Năm 1974, vì không thể bán một số căn hộ với giá kỳ vọng,  ông giữ chúng lại và tạo ra nguồn thu nhập từ cho thuê, rất lâu trước khi khái niệm “xây để cho thuê” xuất hiện.

Khoảng năm 2000, ông nhận thấy các phòng khách sạn dường như chủ yếu được thiết kế cho hai người và không phù hợp cho gia đình hoặc những du khách lưu trú dài hạn cần dùng bếp. Vì vậy, năm 2003 ông bắt đầu xây dựng các căn hộ dịch vụ (nay là Meriton Suites), nhưng xin giấy phép nhà ở dân dụng để nếu thị trường thay đổi, chúng có thể được bán dưới dạng căn hộ chung cư.

Cách làm đó giúp đa dạng hóa dòng tiền, và đến đầu thế kỷ này, ông gần như không còn bị phụ thuộc vào ngân hàng. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008, ông đang ở vị thế tốt hơn hầu hết mọi người.

Ông tiếp tục xây dựng và giữ lại nhân công của mình. Khi thị trường phục hồi sau năm 2009, ông đã có sẵn đội ngũ và giá trị cổ phiếu vẫn ổn định. Năm 2005, Forbes ước tính tài sản của ông là 1,3 tỉ đô la Mỹ. Năm năm sau, con số đó đã tăng gần ba lần, lên ba tỉ đô la Mỹ.

Vào năm 2016, khi xuất hiện lo ngại rằng quá nhiều căn hộ được xây dựng và giá thuê có thể giảm, Triguboff đã nói đùa trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Tài chính Úc: “Vậy thì tôi sẽ thu hút nhiều người di cư hơn.”

180 George là tòa nhà dân cư cao nhất của Meriton ở Parramatta, phía tây Sydney.

Bob Carr, thủ hiến bang New South Wales từ năm 1995 đến năm 2005, nói: “Harry và tôi có một vài kỷ niệm vui trong giai đoạn tôi làm thủ hiến. Tôi lập luận rằng Úc không nên dựa vào hiện tượng tăng dân số do tình trạng nhập cư để làm nền tảng cho chiến lược kinh tế. Harry thì lại thích tỉ lệ dân nhập cư cao. Nhưng bất kỳ chính phủ nào cũng phải đảm bảo duy trì việc xây dựng, vì không thể giải quyết được khủng hoảng nhà ở nếu khu vực tư nhân không kiếm được lợi nhuận từ xây dựng những căn hộ giá cả phải chăng.”

Theo Tom Forrest (Urban Taskforce), không phải tất cả các quan chức chính phủ đều ưa thích Triguboff như Carr. Forrest chia sẻ: “Harry có hai đặc điểm. Ông ấy là người cực kỳ thu hút và cực kỳ trung thành với nhân công cũng như các nhà thầu của mình… Mặc dù đôi khi ông ấy bị coi là một bạo chúa, nhưng nếu vượt qua được tuần đầu tiên, thì thường bạn sẽ gắn bó với ông ấy cỡ 20 năm.”

Cựu thị trưởng Randwick, Dylan Parker, người phản đối đề xuất phát triển khổng lồ của Meriton ở Little Bay, ngoại ô phía đông Sydney, nói rằng ông chưa bao giờ thấy nhà phát triển bất động sản nào không muốn thỏa hiệp như Triguboff.

“Tôi quan sát và thấy rằng đó là sự sẵn sàng tham gia cuộc chơi lâu dài cùng nỗ lực giành được số tiền tối đa có thể – bất kể điều gì. Và nếu điều đó có nghĩa là phải chờ đợi, họ sẽ ‘huy động quỹ đất cho đến khi mọi chuyện hợp lý.’ Chuyện đó khá lạ lùng. Họ công khai tiến hành tấn công nhằm vào những người ra quyết định ở một mức độ mà ít nhà phát triển khác có thể chấp nhận được hoặc dám làm.”

Triguboff phủ nhận chuyện ông không bao giờ khuất phục. “Tôi chỉ không thỏa hiệp khi tôi chắc chắn rằng mình đúng.” Ông nói, không có nhà phát triển nào khác chiến đấu như ông là vì họ thiếu vốn. Các ngân hàng luôn hối thúc. “Tôi xây dựng bằng số tiền tôi có – không hơn. Vì thế, tôi có thời gian.”

Ông cho biết mình gần như đã ngừng mua đất ở Sydney và chỉ sử dụng hết các khu đất trống. “Tôi đang xây hơn 2.000 căn hộ mỗi năm và có thể xây được 4.000 căn hộ,” ông viết trong bài bình luận cho tờ The Australian vào tháng hai. “Hội đồng địa phương bịa ra những vấn đề mà tôi sẵn lòng kiện ra tòa, nhưng các luật lệ hiện tại của chúng tôi không cho phép tôi làm như vậy.” Lãi suất cho vay mua nhà cao đang cản trở sự phát triển. Triguboff nói: “Bán căn hộ đang khó hơn bao giờ hết.”

Các con gái của ông là Orna Triguboff và Sharon Hendler, những người chưa từng tham gia kinh doanh, sẽ thừa kế công ty, trong khi ba người cháu của ông đang làm việc tại Meriton là thế hệ được đào tạo để điều hành doanh nghiệp này. Khi nhìn lại chặng đường phát triển, Triguboff coi những ngày đầu COVID-19 là thời điểm quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình.

“Khi virus xuất hiện, mọi công nhân đều đi làm. Không ai yêu cầu được ở nhà dù chỉ một giờ. Tôi chưa bao giờ hỏi. Họ biết công ty cần nhân lực.” Ông lại đập tay xuống bàn lần nữa. “Đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất của tôi. Bởi vì họ cảm nhận giống như tôi. Họ phải đảm bảo công ty tồn tại và đó là lý do tôi thành công.”

Cao 76 tầng, các căn hộ bên bờ biển mang tên Ocean của Meriton thống trị đường chân trời tại khu Surfers Paradise của Queensland.

——————————————————

Bản in Forbes Vietnam số 131&132, tháng 7&8.2024