Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra ngày 1.7.2025 đã bị tòa án hiến pháp đình chỉ chức vụ. Điều này ngay lập tức phủ bóng đen lên nền kinh tế số 2 Đông Nam Á, vốn đã gặp không ít khó khăn thời gian qua.
Tòa án Thái Lan ra quyết định trên, do liên quan vụ rò rỉ băng ghi âm cuộc điện đàm giữa bà Paetongtarn và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen. Trong đoạn băng, lãnh đạo Chính phủ Thái Lan đã chỉ trích quân đội. Bà Paetongtarn có 15 ngày để kháng án.
Phán quyết của tòa được nhận xét tạo thêm không khí trầm lắng, trong lúc kinh tế Thái Lan vẫn sa lầy với tăng trưởng chậm, nợ hộ gia đình cao, khách du lịch quốc tế giảm và thuế quan với Hoa Kỳ chưa được giải quyết.
Trước những khó khăn, tháng 5 vừa qua chính phủ đã hạ dự báo tăng trưởng GDP 2025 xuống còn 1,3%.
Một vấn đề nữa đang chú ý sự quan tâm, là Thống đốc Sethaput Suthiwartnarueput của Ngân hàng Trung ương sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 30.9. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm được người thay thế.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak từ Đại học Chulalongkorn ở Bangkok chia sẻ: “Không có ai chèo lái con tàu kinh tế, nó sẽ không biết đi đâu. Dự luật ngân sách phải được thông qua, dù chúng ta đang có chính phủ liên minh yếu kém và bất ổn.”
Tháng trước, Đảng Bhumjaithai lớn thứ 2 trong liên minh đã rút lui. Hiện không chắc có đảng nào làm theo nữa hay không.
Ông Napon Jatusripitak từ viện ISEAS-Yusof Ishak thổ lộ: “Thái Lan có lẽ tiếp tục biến động trong quá trình chọn thủ tướng mới. Bế tắc chính trị gây hoang mang cho nền kinh tế vốn đang đối mặt quá nhiều sóng gió.”
Quân đội hiện là lực lượng có tầm ảnh hưởng mạnh nhất ở Thái Lan. Họ tổ chức hàng chục cuộc đảo chính từ khi nền quân chủ hiện nay thành lập vào năm 1932.
Sau khi tòa án đình chỉ chức thủ tướng, bà Paetongtarn vẫn giữ chức Bộ trưởng Văn hóa. Theo cuộc thăm dò mới đây, tỷ lệ ủng hộ bà giảm xuống còn 9,2%. Con số thấp kỷ lục.
Sau phán quyết, bà Paetongtarn giãi bày: “Tôi chấp nhận. Tôi vẫn là công dân Thái Lan. Tôi sẽ tiếp tục phục vụ đất nước trong lúc bị đình chỉ.”
Hiện nay, nỗi lo chính phủ sụp đổ trước khi ngân sách năm tiếp theo được thông qua đang gia tăng. Theo kế hoạch, vấn đề này sẽ được thảo luận vào tháng 8 tới.
Ông Burin Adulwattana từ Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn cho biết, một chính phủ “vịt què” sẽ tăng bất ổn, gây tổn hại đến đồng baht và cổ phiếu. Nếu gói ngân sách không được thông qua, nền kinh tế sẽ gặp rắc rối lớn.
Sau lệnh của tòa án, đồng baht giảm 0,1% giá trị vào ngày 2.7. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm hầu như không thay đổi. Tuy nhiên chỉ số chứng khoán nhìn chung lại tăng 1,9%, do kỳ vọng của thị trường rằng động thái này giúp giảm căng thẳng chính trị.
Dẫu vậy, không phải ai cũng đồng quan điểm. Bà Lavanya Venkateswaran, chuyên gia kinh tế từ ngân hàng Oversea-Chinese Banking ở Singapore chia sẻ: “Quyết định của tòa án làm tăng rủi ro cho tăng trưởng, khi nền kinh tế đang bị ám ảnh bởi thuế quan Hoa Kỳ. Câu hỏi quan trọng lúc này, là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Chính phủ có bị giải tán hay không? Có bầu cử sớm hay không?”
Nếu sau 15 ngày bà Paetongtarn không thuyết phục tòa án đổi quyết định, liên minh cầm quyền sẽ phải tìm người thay thế. Khi đó, bà Paetongtarn là chính trị gia thứ 3 trong gia tộc Shinawatra bị tước chức vụ, sau cha bà là ông Thaksin Shinawatra và người cô Yingluck Shinawatra.
Viễn cảnh xấu hơn, là có thêm đảng rút khỏi liên minh cầm quyền. Khi đó chắc chắn một cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra.
Cựu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha là người lãnh đạo cuộc đảo chính gần đây nhất. Kinh tế khó khăn khiến ông chịu rời bỏ quyền lực và chấp nhận bầu cử.
Theo giáo sư Thitinan từ Đại học Chulalongkorn, quyết định đình chỉ chức vụ bà Paetongtarn, cũng làm tăng nguy cơ xảy ra đảo chính lần nữa.
(Biên dịch: NVP)
2 ngày trước
Kinh tế Thái Lan gặp không ít khó khăn trong tháng 56 tháng trước
Khách du lịch quốc tế đổ về Thái Lan tiếp tục đông