Ba tỉ phú của Trung Quốc mất 16 tỉ USD do tác động từ tình hình của thị trường chứng khoán.
Chỉ trong vòng một ngày, đợt bán tháo sâu tại thị trường chứng khoán Hong Kong đã lấy đi 16,4 tỉ USD trong tài sản ròng của ba tỉ phú Trung Quốc, đưa họ vào nhóm 5 nhà tài phiệt bị thâm hụt tài sản nhất trong danh sách Tỉ phú theo thời gian thực của Forbes hôm 15.3, bên cạnh Jeff Bezos (Amazon) và Elon Musk (Tesla).
Nhà đồng sáng lập của Tencent, Mã Hóa Đằng dẫn đầu với khối tài sản bốc hơi 6,1 tỉ USD, theo sau là chủ tịch Nongfu Spring – Chung Thiểm Thiểm với 5,6 tỉ USD và đồng chủ tịch của Country Garden – Dương Huệ Nghiên giảm 4,7 tỉ USD. Khối tài sản ròng giảm trong bối cảnh diễn ra đợt bán tháo lịch sử tại Hong Kong, với chỉ số Hang Seng trượt xuống dưới ngưỡng 20.000 điểm, thấp nhất kể từ năm 2016.
Vô số tác nhân đang gây thiệt hại cho các công ty và các doanh nghiệp khác niêm yết cổ phiếu tại trung tâm tài chính Châu Á – Hong Kong. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FDA) đưa ra nhiều đợt nâng lãi suất dẫn đến dòng vốn ra tăng lên từ đầu năm 2022, trong bối cảnh tình hình kinh tế bất ổn của Trung Quốc khi vẫn đang siết chặt các biện pháp phòng, ngừa COVID-19 gây ra thiệt hại nặng nề lên doanh thu và tốc độ tăng trưởng.
Bên cạnh những khó khăn tầm vĩ mô là các vấn đề từ quy định và nỗi lo về tình hình chiến sự tại Ukraine tăng cao. Những nhà đầu tư lo ngại mối quan hệ đồng minh thân thiết Nga – Trung có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phía phương Tây. Nhiều nguồn tin cho biết Trung Quốc sẵn sàng cung cấp vũ khí, bao gồm cả máy bay không người lái và tên lửa đất đối không cho Nga.
Mặc dù Bắc Kinh xem đây như thông tin sai lệch và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Trung Quốc không muốn chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt lên Nga, song quan hệ ngày càng trầm trọng với Mỹ vẫn đang phủ bóng đen lên nhiều công ty nước này.
Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã thông báo 5 công ty Trung Quốc có nguy cơ bị hủy niêm yết, do không thể cung cấp chi tiết hồ sơ kiểm toán để chứng minh thống kê tài chính.
Khi quan hệ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rạn nứt, triển vọng ảm đạm từ giải quyết xung đột kiểm toán thông qua đàm phán song phương đã khiến cho các nhà đầu tư từ bỏ cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Đợt bán tháo diện rộng tại Hong Kong do nhiều công ty như doanh nghiệp khổng lồ thương mại điện tử, Alibaba và nhà phát triển game – NetEase niêm yết kép.
Chỉ số Hang Seng với 30 công ty công nghệ, bao gồm cả Alibaba, NetEase và Tencent giảm 11% trong phiên giao dịch hôm 11.3 và 5,2% vào ngày 12.3. Qua đó, ghi nhận mức tụt giảm từ đầu năm 2022 hơn 30%.
“Về mặt ngắn hạn, vẫn chưa có bất kỳ giải pháp nào cho nhiều yếu tố tiêu cực này.” Kenny Ng, nhà chiến lược về an ninh của Everbright Securities International đặt tại Hong Kong cho biết
Trưởng nghiên cứu của DZT Research đặt tại Singapore, Ke Yan đồng tình với nhận định trên. Ông cũng chỉ ra những khó khăn từ trong nước, như quy định trừng phạt lên các công ty công nghệ, mà chưa có dấu hiệu sẽ sớm dừng lại.
Tencent đang chịu tổn thất từ lệnh cấm game trực tuyến kéo dài của Trung Quốc, với các cơ quan quản lý Bắc Kinh dừng cấp phép cho tựa game mới kể từ cuối năm 2021. Thêm vào đó, Wall Street Journal đưa tin hôm 14.3, công ty đối mặt với án phạt kỷ lục vì vi phạm quy định chống rửa tiền của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC), đưa ra thêm nhiều khó khăn từ quy định sắp tới.
Biên dịch: Minh Tuấn
7 tháng trước
Startup dược phẩm Xtalpi IPO tại Hong Kong1 tháng trước
CEO của New World bị thay thế sau 2 tháng1 năm trước
SoftBank nhắm bán gần hết cổ phần trong Alibaba