Australia sẽ cấm nhân viên chính phủ sử dụng nền tảng truyền thông xã hội TikTok trên thiết bị làm việc, theo truyền thông Australia đưa tin trong ngày 3.4
Quốc gia này cùng với Hoa Kỳ, Canada, New Zealand và một số quốc gia ở châu Âu hạn chế ứng dụng do Trung Quốc sở hữu đang gây tranh cãi về những lo ngại an ninh quốc gia cũng như quyền riêng tư dữ liệu.
TikTok sẽ bị cấm sử dụng trên tất cả các thiết bị của cơ quan nhà nước ở Australia, bao gồm cả điện thoại cũng như máy tính, theo lệnh của Thủ tướng Anthony Albanese trong ngày 3.4, The Australian đưa tin.
Bộ trưởng Công vụ Stanislas Guerini cho biết Pháp sẽ cấm quan chức nhà nước sử dụng TikTok cũng như nhiều ứng dụng khác trên điện thoại, với lý do lo ngại rằng ứng dụng này không bảo mật dữ liệu khi sử dụng trên các thiết bị.
Ngày 30.3, phát ngôn viên của Quốc hội Anh — viện dẫn những lo ngại về an ninh mạng — cho biết rằng TikTok sẽ bị chặn trên tất cả các thiết bị của Quốc hội cũng như nhiều thiết bị khác truy cập mạng Quốc hội.
Ngày 30.3, phó thủ hiến Scotland John Swinney cũng cho biết Scotland sẽ cấm sử dụng ứng dụng này trên tất cả các thiết bị truy cập mạng ở đó. Lệnh cấm có hiệu lực ngay, sau các cuộc thảo luận với chính phủ Anh.
Bộ trưởng Văn phòng nội các Oliver Dowden cho biết tất cả các thiết bị nhân viên chính phủ Anh đang sử dụng sẽ không thể truy cập TikTok — và những thiết bị này sẽ chỉ có thể truy cập các ứng dụng của bên thứ ba đã được phê duyệt trước.
Theo một thông báo dựa theo yêu cầu của các chuyên gia an ninh mạng trong nước, TikTok sẽ bị xóa khỏi tất cả các thiết bị có quyền truy cập vào mạng của quốc hội New Zealand, mặc dù lực lượng quốc phòng cũng như bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand đã thực hiện các lệnh cấm tương tự.
Hồi cuối tháng trước, Ủy ban châu Âu — cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu — cấm nhân viên sử dụng TikTok trên điện thoại, lưu ý rằng lệnh cấm được đưa ra để ngăn chặn các mối đe dọa an ninh mạng, và Nghị viện châu Âu đã công bố lệnh cấm tương tự một tuần sau đó sau khi nhân viên an ninh mạng xem xét.
Hội đồng An ninh Quốc gia Bỉ đã cấm quan chức chính phủ sử dụng TikTok trên điện thoại, vì Thủ tướng Alexander De Croo cho biết công ty “được chỉ đạo hợp tác với các cơ quan tình báo Trung Quốc.”
Hồi tháng trước, Canada cũng cấm nhân viên chính phủ sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp vì lo ngại an ninh quốc gia, mặc dù chủ tịch ủy ban Tài chính Canada Mona Fortier cho biết không có bằng chứng nào cho thấy thông tin của chính phủ đã bị xâm phạm, theo Reuters.
Các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ đã phê duyệt lệnh cấm nhân viên liên bang sử dụng TikTok trên thiết bị của liên bang vào tháng 12 đồng thời nhiều cơ quan của quốc gia này đưa ra thời hạn xóa ứng dụng này khỏi tất cả các thiết bị của chính phủ đến ngày 20.3, sau khi nhiều bang đưa ra lệnh cấm tương tự.
Ngày 31.3, Mao Ning, phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã bác bỏ những lo ngại của các quốc gia về TikTok và ByteDance sau phiên điều trần của CEO TikTok Chu Thụ Tư (Shou Zi Chew) trước Quốc hội Mỹ.
“Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu và sẽ không bao giờ yêu cầu bất kỳ công ty hoặc cá nhân nào thu thập hay cung cấp dữ liệu, thông tin hoặc thông tin tình báo được định vị ở nước ngoài vì đó là hành vi vi phạm các quy định pháp luật của những quốc gia đó,” bà cho biết.
Ấn Độ là quốc gia đầu tiên cấm TikTok cùng với nhiều ứng dụng khác do Trung Quốc sở hữu theo quyết định được ban hành vào tháng 6.2020. Chính phủ Ấn Độ cho biết các ứng dụng này đang “đánh cắp cũng như lén lút truyền dữ liệu người dùng” ra bên ngoài Ấn Độ, theo New York Times.
Ngày càng có thêm nhiều quốc gia ban hành lệnh cấm sử dụng TikTok — thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance — trong những tháng gần đây, khi ứng dụng này phải đối mặt với sự kiểm soát chặt chẽ trong bối cảnh lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người dùng. Những người tiết lộ thông tin từ cả hai công ty nói với Thượng nghị sĩ Josh Hawley cũng như Washington Post rằng nhân viên của TikTok có thể dễ dàng chuyển dữ liệu từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc mà không cần phê duyệt nhiều, tuy nhiên TikTok bác bỏ lời tố cáo này.
Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) điều tra TikTok trong nhiều năm, mặc dù một số nhà lập pháp đề nghị cơ quan này kết thúc cuộc điều tra. CFIUS gần đây đe dọa cấm ứng dụng ở Hoa Kỳ trừ khi các cổ đông của TikTok ở Trung Quốc bán cổ phần của họ trong công ty.
TikTok nói với Forbes rằng việc buộc ByteDance thoái vốn “không giải quyết được vấn đề.” Để loại bỏ những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu, TikTok cho biết công ty sẽ thực hiện một chính sách mới — được gọi là “Project Clover” ở châu Âu và “Project Texas” ở Hoa Kỳ — yêu cầu công ty lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước và cấm chuyển dữ liệu ra khỏi châu Âu và Hoa Kỳ.
Các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ đưa ra luật lưỡng đảng cho phép bộ Thương mại cấm một số công nghệ nước ngoài gây ra “rủi ro không đáng có hoặc không thể chấp nhận được” đối với người Mỹ. Mặc dù dự luật không đề cập rõ ràng đến TikTok nhưng các thượng nghị sĩ đã viện dẫn đó là một mối đe dọa tiềm ẩn.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Doanh thu từ ứng dụng của TikTok đạt 205 triệu USD
Nhiều đại học Mỹ chặn Wi-Fi truy cập TikTok trong khuôn viên trường
1 năm trước
Cơn sốt TikTok Shop: Quả ngọt nhưng khó hái1 tháng trước
Ông Trump sẽ áp thuế hàng Trung Quốc thấp hơn đề xuất?1 năm trước
TuSimple có thể bán chi nhánh hoạt động ở Hoa Kỳ