Tập đoàn AstraZeneca công bố khoản đầu tư mới 50 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng) để phục hồi rừng và cảnh quan tại Việt Nam.
Tại buổi lễ công bố đầu tư hôm 6.5 tại thủ đô London, bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ, khoản đầu tư này hỗ trợ cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
AstraZeneca cho biết khoản đầu tư được sử dụng cho nông lâm kết hợp, bao gồm sản xuất gỗ, quả và hạt, tinh dầu và nhựa cây bền vững, tăng năng suất nông nghiệp thông qua xen canh và phát triển chuỗi giá trị thị trường.
Dự kiến trong năm năm tới, khoảng 22,5 triệu cây xanh sẽ được trồng trên hơn 30.500 héc-ta đất để phục hồi rừng và cảnh quan, tạo điều kiện phát triển đa dạng sinh học và bổ sung nguồn sinh kế bền vững cho hơn 17.000 hộ nông dân.
Khoản đầu tư 50 triệu USD lần này nằm trong khuôn khổ chương trình toàn cầu mang tên AZ Forest. Ông Nitin Kapoor, chủ tịch kiêm tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các thị trường mới nổi khu vực châu Á, cho biết chương trình AZ Forest hưởng ứng Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 và chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của chính phủ Việt Nam
Tính đến cuối năm 2022, chương trình này đã trồng được hơn 10,5 triệu cây xanh trên toàn cầu trong cam kết trồng và duy trì hơn 50 triệu cây xanh đến cuối năm 2050, thông qua hợp tác với các chuyên gia và cộng đồng địa phương.
AstraZeneca là công ty dược phẩm sinh học toàn cầu có mặt tại thị trường Việt Nam hơn 30 năm. Công bố đầu tư mới này tiếp nối khoản đầu tư 310 triệu USD của AstraZeneca vào Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 để nâng cao năng lực sản xuất và nghiên cứu dược phẩm sinh học trong nước.
Các dự án này bổ trợ cho tham vọng không carbon trong chiến lược hướng tới phát thải ròng bằng 0 dựa trên cơ sở khoa học của AstraZeneca.
AstraZeneca cũng đang hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trường đại học Kinh tế London và viện Chiến lược và Chính sách Y tế – bộ Y tế Việt Nam, trong chương trình “Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế” (PHSSR), nhằm củng cố toàn diện hệ thống y tế Việt Nam để có thể ngăn chặn rủi ro trong tương lai.
2 năm trước
DEEP C: Lập chuẩn mực mới cho kinh tế xanh1 năm trước
AstraZeneca sẽ chi 1,1 tỉ USD mua lại Icosavax4 tháng trước