Nhà phát hành Epic nỗ lực đưa tựa game Fortnite trở lại sau khi bị gỡ bỏ khỏi App Store từ năm ngoái, nhưng Apple không đồng ý và yêu cầu Epic phải tuân thủ luật chơi.
Thông báo trên Twitter, Epic cho biết công ty đã yêu cầu Apple khôi phục tài khoản phát triển Fortnite nhằm phát hành lại game này trên các thiết bị chạy iOS tại Hàn Quốc.
Fortnite bị gỡ khỏi App Store năm ngoái sau khi nhà phát triển ứng dụng vi phạm quy định của Apple vì cập nhật tính năng cho phép người dùng sử dụng dịch vụ thanh toán của bên thứ ba để chi trả cho các tính năng mua in-app (tính năng cho phép người dùng mua các ứng dụng, đồ vật trong game bằng tài khoản thẻ).
Trong khi nhà phát hành game nhấn mạnh việc cho phép mua in-app thông qua cả hệ thống thanh toán của Epic và Apple là hoàn toàn tuân thủ luật pháp Hàn Quốc.
Apple lập tức bác yêu cầu của Epic và cho rằng nhà phát hành game phải “tuân thủ luật chơi”.
Hiện dự luật mới của Hàn Quốc về việc cho phép sử dụng dịch vụ thanh toán của bên thứ ba để mua in-app vẫn chưa có hiệu lực. Tuy nhiên, Apple khẳng định luật này sẽ không tác động đến quy trình xét duyệt tài khoản nhà phát triển ứng dụng.
Cuối tháng trước, Quốc hội Hàn Quốc đã ban bố luật cấm Apple và Google độc quyền trong việc buộc nhà phát triển ứng dụng phải sử dụng hệ thống thanh toán mặc định để thu phí người dùng đối với một số tính năng trong ứng dụng.
Các nhà phát triển sử dụng các hệ thống thanh toán này phải trả phí giao dịch khá cao, từ 15% đến 30%. Một số nhà phát triển ứng dụng đã lên tiếng lo ngại về sự độc quyền của Apple và Google trên các nền tảng sinh thái của hai gã khổng lồ công nghệ.
Đáng chú ý nhất, Epic Games vốn đang trong cuộc chiến pháp lý với Apple tại tòa án Mỹ sau sự kiện ứng dụng game nổi tiếng Fortnite của họ bị gỡ bỏ khỏi App Store. Fortnite biến mất khỏi App Store sau khi vi phạm luật chơi của ông lớn công nghệ, cho phép người dùng sử dụng dịch vụ thanh toán của bên thứ ba để lách khoản phí 30%.
Hiện thẩm phán chịu trách nhiệm vụ án tại tòa án liên bang California vẫn chưa có bất kỳ phán quyết nào. Tuy nhiên, các khoản phí trên Apple Store đang khiến Apple hứng chịu hàng loạt cuộc điều tra chống độc quyền ngay tại Mỹ và cả các nước khác.
Hồi tháng Bảy, một nhóm thượng nghị sĩ của cả hai Đảng thông qua dự luật cấm các công ty ép nhà phát triển ứng dụng sử dụng hệ thống thanh toán của mình. Năm ngoái, Liên minh châu Âu cũng đưa ra nhiều kiến nghị buộc các công ty như Apple và Google phải chấm dứt một số hoạt động kinh doanh nếu không tuân thủ các quy tắc về cạnh tranh công bằng.
Biên dịch: Thiên Tứ
1 năm trước
Apple hủy kế hoạch sản xuất xe tự lái hoàn toàn