Doanh nhân

Anthoni Salim giàu thêm 2,8 tỉ đô la Mỹ

Thành công từ việc đầu tư để mở rộng lĩnh vực kinh doanh đã giúp tài sản Anthoni Salim tăng lên 10,3 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023.

Share
this:

Thương vụ phát hành công khai lần đầu (IPO) thành công của công ty khai thác đồng và vàng Amman Mineral Internasional (Amman) không chỉ giúp danh sách 50 người giàu nhất Indonesia chào đón ba thành viên mới, mà còn mang lại khoản lợi nhuận lớn cho Anthoni Salim.

Anthoni Salim, chủ tịch của Salim Group – tập đoàn nổi tiếng với thương hiệu mì ăn liền Indomie, chứng kiến khối tài sản tăng thêm 2,8 tỉ đô la Mỹ lên 10,3 tỉ đô la Mỹ, phần lớn đến từ số cổ phần trong Amman.

Chân dung doanh nhân Indonesia Anthoni Salim. Ảnh: Yuli Seperi/Getty Images.

Amman là một phần quan trọng trong chuỗi các thương vụ đầu tư của Salim trong những năm gần đây. Mục đích nhằm mở rộng hoạt động cho “đế chế” kinh doanh từ thực phẩm đến viễn thông Salim Group của ông. Salim bắt đầu mua số cổ phần đầu tiên trong Amman từ năm 2017, sau khi công ty Medco Energi Internasional (Medco) của người bạn Hilmi Panigoro làm điều tương tự.

Đến năm 2019, Salim hợp tác với Panigoro để trở thành cổ đông thiểu số trong Medco. Trong năm 2022, Salim đã đưa ra quyết định quan trọng khác để mở rộng đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng. Ông đã dẫn đầu một nhóm liên doanh bỏ ra số tiền 1,6 tỉ đô la Mỹ mua lại cổ phần chi phối trong Bumi Resources, công ty khai thác than đá hàng đầu Indonesia, từ gia đình Bakrie bằng cổ phiếu phát hành riêng lẻ.

Bên cạnh khai khoáng, Salim còn đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số. Ông có cổ phần trong DCI Indonesia, đơn vị vận hành trung tâm dữ liệu lớn nhất xứ vạn đảo do Otto Toto Sugiri đồng sáng lập. Thương vụ đầu tư này đã mang lại cho Salim lợi nhuận khi DCI Indonesia niêm yết cổ phiếu vào năm 2021. Cũng trong năm 2021, ông mua số ít cổ phần trong công ty truyền thông đa phương tiện Elang Mahkota Teknologi (Emtek) của Eddy Kusnadi Sariaatmadja.

Anthoni Salim cũng tích cực mở rộng quy mô cho mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng, khi niêm yết cổ phần cho công ty vận hành trạm thu phí Nusantara Infrastructure. Hồi tháng 10.2023, một liên doanh do First Pacific, công ty niêm yết tại Hong Kong của Salim, dẫn đầu, đã tư nhân hóa Metro Pacific Investments – công ty mẹ của Nusantara Infrastructure – bằng cách mua lại 19% cổ phần với mức giá 500 triệu đô la Mỹ.

Tuy vậy, Nusantara Infrastructure đã báo cáo lỗ trong chín tháng đầu năm 2023 khi công ty chịu áp lực từ khoản nợ và gần đây đã bán 33,33% cổ phần trong trạm thu phí cho quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC), theo thỏa thuận trị giá 210 triệu đô la Mỹ.

Salim có dự định hủy niêm yết cổ phiếu của Nusantara Infrastructure, cho biết trong hồ sơ gửi lên sàn chứng khoán rằng quyết định này do công ty cần nguồn tài chính lớn để hoạt động và mất nhiều thời gian để khoản đầu tư ban đầu tạo ra lợi nhuận.

Biên dịch: Minh Tuấn