Kinh doanh

Âm vốn chủ sở hữu, cổ phiếu Vietnam Airlines bị hạn chế giao dịch

3 năm trước
Tác giả Minh Tâm

Cổ phiếu Vietnam Airlines chuyển sang diện kiểm soát, chỉ giao dịch vào buổi chiều từ 3.11, theo quyết định của HoSE.

Share
this:

Trong quyết định ban hành hôm 27.10, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) thông báo chuyển cổ phiếu HVN của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 3.11. Lý do là lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ 6 tháng đầu năm 2021 âm 8.458 tỉ đồng và lỗ lũy kế đến 30.6.2021 là 17.808 tỉ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Cố phiếu HVN sẽ chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Mới đây, báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã soát xét của HVN ghi nhận số lỗ 8.622 tỉ đồng, tăng 3.359 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Các hãng hàng không, trong đó có VNA bắt đầu khai thác được các chuyến bay thương mại khi hoạt động vận tải hàng không được khôi phục. Ảnh: VNA

Trong báo cáo soát xét, Deloitte Việt Nam nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của VNA khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn với số tiền 34.664 tỉ đồng, khoản phải trả quá hạn là 14.805 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu âm 2.787 tỉ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid – 19. Đơn vị kiểm toán nhận định, khả năng hoạt động liên tục của VNA phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và việc gia hạn các khoản vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến dịch bệnh.

Sau đánh giá này, hôm 21.10, VNA đã có công văn gửi HoSE trình bày phương án khắc phục kết quả kinh doanh 6 tháng. Đơn vị này cho biết đã triển khai hàng loạt giải pháp như thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán với nhà cung cấp để giảm giá dịch vụ hàng hóa… và báo cáo Chính phủ để có các hỗ trợ. Trong quý 3, VNA đã hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm 7.961 tỉ đồng và đang tiếp tục đàm phán quyết liệt với các nhà cung cấp, đặc biệt là các hãng chủ sở hữu tàu bay, các cơ sở bảo dưỡng ở nước ngoài để giảm giá và giãn, hoãn thanh toán. Bước đầu, các nhà cung cấp đã có những cam kết hỗ trợ nhằm giảm chi phí, từng bước giúp hãng này khôi phục hoạt động, VNA cho biết.

Hãng này cũng tin tưởng thị trường vận tải hàng không sẽ sớm hồi phục khi các đường bay đang dần khôi phục.