Hãng hàng không AirAsia X đã hoàn tất tái cơ cấu khoản nợ 8 tỉ USD, bắt đầu khôi phục kinh doanh.
AirAsia X, công ty con chuyên về tuyến bay đường dài thuộc Capital A của hai tỉ phú Malaysia Tony Fernandes và Kamarudin Meranun đã hoàn tất tái cơ cấu nợ, giúp hãng hàng không này tích lũy 33 tỉ ringgit (7,9 tỉ USD) từ khoản dự trữ trước đó để thanh toán nợ.
“Đây là một bước tiến đáng kể khác trong việc gầy dựng lại AirAsia X giai đoạn hậu đại dịch COVID-19. Chúng tôi sẽ trở lại bầu trời với vị thế vững chắc,” Benyamin Ismail, CEO của AirAsia X cho biết trong email thông cáo báo chí hôm 16.3.
Theo kế hoạch tái cơ cấu được chủ nợ và nhà cung cấp chấp thuận vào tháng 11.2021, AirAsia X chỉ phải trả lại 0,5% của khoản nợ hơn 8 tỉ USD và chấm dứt hợp đồng cung cấp máy bay. Theo một phần trong thỏa thuận, Airbus đồng ý giảm đơn đặt hàng xuống 15 máy bay A330neo thân rộng (từ 78 máy bay) và 20 máy bay A321XLR thân hẹp (từ 30 máy bay).
Hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19, khi các quốc gia trên thế giới đóng cửa biên giới nhằm kiểm soát dịch. Là một trong những công ty con của hãng hàng không giá rẻ Capital A (đổi tên từ AirAsia Group tháng 1.2022) trong quá trình chuyển hướng tham gia các lĩnh vực tài chính, gọi xe, giao đồ ăn và chuyển phát nhanh, AirAsia X đã báo cáo khoản lỗ ròng kỷ lục 34 tỉ ringgit trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30.6.2021.
Trong một năm qua, AirAsiaX là một trong số ít những hãng hàng không tại châu Á nhanh chóng tái cơ cấu tài chính để định vị lại công ty cho việc phục hồi hậu đại dịch COVID-19. Vào tháng 12.2021, Philippine Airlines của tỉ phú Lucio Tan thoát khỏi tình cảnh phá sản và tăng tần suất các chuyến bay nội địa cũng như quốc tế. Singapore Airlines, từng huy động nguồn vốn mới trị giá 21,6 tỉ đô-la Singapore (15,9 tỉ USD) khai thác trở lại vào quý 3.2021, nhờ vào nhu cầu vận chuyển hành hóa tăng mạnh.
“Vận chuyển hàng hóa là ‘phao cứu sinh’ cho AirAsia X và quá trình phục hồi của chúng tôi với tư cách hãng hàng không kết hợp, tập trung đều vào doanh thu vận chuyển hàng hóa và hành khách. Chúng tôi mong tạo ra thêm nhiều giá trị hơn nữa cho dịch vụ tài chính ở khắp mạnh lưới cốt lõi, song song với nhu cầu cho vận chuyển hàng hóa và hành khách. Trong hai tháng tới, chúng tôi sẽ khởi động lại dịch vụ vận chuyển hành khách tới nhiều điểm đến quốc tế hơn nữa khi biên giới mở cửa trở lại,” Ismail cho biết.
Vào năm 2001, Fernandes và Kamarudin thâu tóm AirAsia để xây dựng hãng hàng không giá rẻ, giúp du lịch hàng không dễ tiếp cận hơn. Cả hai đã ra khỏi danh sách 50 tỉ phú giàu nhất Malaysia năm 2021.
Xem thêm: AirAsia X của tỉ phú Tony Fernandes đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết
Xem thêm: Hàng không AirAsia lên kế hoạch ra mắt taxi bay vào năm 2025
Biên dịch: Minh Tuấn
1 năm trước
Bay lên nền tảng số