Trí tuệ nhân tạo (AI)

AI định hình lại nhu cầu học ngoại ngữ ở Trung Quốc

18 giờ trước
Nguồn: Nikkei Asia

Từng là ngành với vô số vị trí nghề nghiệp hứa hẹn, giờ đây các khoa ngoại ngữ của nhiều trường đại học ở Trung Quốc đối mặt với số lượng sinh viên giảm. Lý do là sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI).

Một buổi giao lưu thanh niên Trung - Nhật tại Trung Quốc - Ảnh: CGTN

Share
this:

Năm 2023, Đại học Khoa học Công nghệ Hợp Phì ở tỉnh An Huy, một trong những trường hàng đầu Trung Quốc, ngừng tuyển sinh chuyên ngành tiếng Anh.

Năm 2024, Đại học Kinh doanh Kinh tế Quốc tế, và Đại học Ngôn ngữ Văn hóa, cả 2 đều ở Bắc Kinh, dừng chương trình thạc sĩ một số ngoại ngữ như tiếng Nhật và tiếng Ý.

Tháng 5.2024, Đại học Tế Nam ở tỉnh Sơn Đông, dừng tuyển sinh chuyên ngành tiếng Triều Tiên (Hàn Quốc) và tiếng Đức. Cùng thời gian, Đại học Hàng không Vũ trụ Thẩm Dương ở tỉnh Liêu Ninh, dừng tuyển sinh 10 chuyên ngành trong đó có tiếng Anh.

Một buổi giao lưu thanh niên Trung - Nhật tại Trung Quốc - Ảnh: CGTN
Sinh viên Trung Quốc – Nhật Bản trong 1 chương trình giao lưu văn hóa. Ảnh: CGTN

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, những năm qua đã có 28 chuyên ngành liên quan đến ngoại ngữ tại 109 trường đại học dừng tuyển sinh. Trong số này, 26 trường ngừng tuyển sinh tiếng Nhật, 21 trường ngừng tuyển sinh tiếng Anh và 10 trường ngừng tuyển sinh tiếng Triều Tiên.

Trước đó, từ 1999 đến 2010, được coi là giai đoạn hoàng kim của chuyên ngành ngoại ngữ, do Trung Quốc gia nhập WTO, kết nối kinh tế thương mại sâu hơn với toàn cầu. Giai đoạn này, số trường đào tạo ngoại ngữ tăng từ 200 lên 600.

Năm 2010, sinh viên chuyên ngành tiếng Anh ở Trung Quốc khoảng 850.000 người. Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp khoảng 90%. Mức lương khởi điểm bình quân cao hơn 15% so với lĩnh vực khác.

Từ 2010, bức tranh bắt đầu thay đổi. Nhiều công cụ dịch thuật chính xác sử dụng AI ra đời, với chi phí chưa bằng 1% so với dùng người thật.

Theo báo cáo của công ty tư vấn giáo dục MyCOS ở Bắc Kinh, năm 2023 tỷ lệ sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ mới tốt nghiệp có việc làm khoảng 76,8%, thấp hơn 5,6% so với mặt bằng chung. Trong đó, chỉ 52% tìm được việc đúng chuyên môn.

Một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh tên Zeng chia sẻ, cô thấy được sự sụt giảm số lượng sinh viên nhập học tại một trong những ngôi trường danh giá nhất cả nước. Khi nói chuyên ngành của mình là tiếng Anh, nhiều người đặt câu hỏi: “Trí tuệ nhân tạo có thể dịch mọi thứ từ tiếng Anh sang tiếng Trung, thì cần học làm gì?”

Cô tâm sự, nhiều người không hiểu về sự thâm thúy của ngôn ngữ. Biết thêm 1 ngoại ngữ là mở ra 1 chân trời mới. Ngay cả dùng AI, nếu không biết ngoại ngữ, cũng khó kiểm tra nó có đúng hay không. Bên cạnh đó, học tiếng Anh sẽ hiểu hơn hệ thống chính trị kinh tế các nước nói tiếng Anh, tư duy phản biện và triết học phương Tây.

Nhờ đọc tài liệu tiếng Anh, cô học được tư duy độc lập, khái niệm bình đẳng, dân sinh, dân quyền, dân chủ và bác ái. Cô khẳng định, tất cả đều hữu ích.

Gặp khó trong quá trình xin việc, hiện cô làm gia sư ở Bắc Kinh. Dù được trả lương tốt nhưng đây là công việc không ổn định. Khi được hỏi về ngôi trường từng học, cô vẫn khuyến khích sinh viên yêu thích tiếng nước ngoài thi vào Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, vì nơi đây có môi trường thân thiện, giáo viên tận tâm với kiến thức sâu.

Anh Zhao Xincheng, tốt nghiệp Đại học Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc chuyên ngành tiếng Anh nói với Nikkei Asia rằng, nếu chỉ biết tiếng Anh mà không có chuyên ngành khác, thì khó xin việc. Một số cuộc phỏng vấn gần đây anh đều thất bại, phải làm gia sư. Anh không khuyến khích sinh viên chọn tiếng Anh làm nghề chính. Tiếng Anh chỉ là phương tiện giao tiếp, giỏi là điều rất tốt, nhưng cần thêm chuyên ngành khác.

Giáo sư Wu Peng, Trưởng khoa Giáo dục Quốc tế ở Đại học Giang Tô nhận thấy, tiếng Anh đang ít thu hút sinh viên với tư cách 1 chuyên ngành. Ngược lại, sinh viên kỹ thuật tăng dần theo từng năm.

Theo ông đây là điều dễ hiểu, vì ở Trung Quốc nói riêng lẫn toàn cầu nói chung đang bước vào cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mang tên trí tuệ nhân tạo. Nhu cầu cho những vị trí liên quan tới phần mềm, phần cứng, mạng, viễn thông, chip hay chất bán dẫn hiện rất cao.

Về dịch văn bản, AI có thể hỗ trợ tới 80%. Do đó, nếu chỉ biết tiếng Anh mà không sở hữu kỹ năng khác, thì rất khó. Các ngành đều yêu cầu đầu vào và đầu ra là tiếng Anh, nên nhìn chung phần lớn sinh viên ngành khác ít nhiều phải am hiểu ngoại ngữ.

Phó Giáo sư Dai Jiangwen, Trưởng khoa tiếng Anh tại Đại học Giao thông Bắc Kinh bác bỏ nhận định tiếng Anh đang trên đà suy giảm. Bà khẳng định, sinh viên chuyên ngành tiếng Anh ít hơn trước, là quá trình chuyển đổi theo cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thay vì xem tiếng Anh như 1 chuyên ngành như trước, giờ đây sinh viên mọi chuyên ngành đều cần học tiếng Anh.

Bà nhấn mạnh ngoại ngữ giúp các nền văn hóa hiểu nhau hơn, rất quan trọng không chỉ trong chính trị hay ngoại giao, mà cả khoa học kỹ thuật. Ví dụ ngoại ngữ giúp đào tạo các mô hình AI về trí tuệ cảm xúc, giác quan văn hóa và tư duy phản biện.

Bà Dai Jiangwen muốn đưa chương trình trí tuệ nhân tạo vào các khoa tiếng Anh. Không những vậy, có thể đưa thêm chuyên ngành khác như cơ sở dữ liệu, lập trình hoặc công pháp quốc tế, để sinh viên tự chọn. Mục đích khi ra trường, sinh viên vừa thạo ngoại ngữ vừa nắm chuyên môn cơ bản, có thể làm việc trong những lĩnh vực cụ thể rồi tự học thêm.

Bà dẫn chứng hiện xã hội Trung Quốc thiếu khoảng 500.000 nhân lực chuyên môn biết ngoại ngữ, như tiếng Anh, tiếng Nga hoặc tiếng Ả Rập.

Ông Wu và bà Dai đều đồng ý, AI sẽ định hình lại, chứ không thay thế chuyên ngành về ngoại ngữ. AI giúp ích rất nhiều trong dịch thuật để nắm ý, nhưng không thể sao chép sự sáng tạo, tinh tế, và tính thích nghi văn hóa nếu chúng ta biết ngoại ngữ.

(Biên dịch: NVP)