Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ được giữ nguyên dù kinh tế vĩ mô có những thách thức, mới nhất là chính sách thuế quan của Mỹ.
Trả lời cổ đông tại đại hội đổng cổ đông thương niên năm 2025 diễn ra hôm 8.4, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB khẳng định, ngân hàng giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16 -18% so với năm 2024 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có những thách thức mới.
Ông Phát cho biết, sau khi có thông tin thuế quan từ Mỹ, ACB đã rà soát lại danh mục khách hàng, tính toán phương án kinh doanh và thấy rằng sẽ có những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá, đầu tư nước ngoài (FDI), tác động đến tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống.
Tại ACB, danh mục khách hàng cá nhân chiếm trên 65%, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) khoảng 29%, còn lại là doanh nghiệp lớn. Khách hàng doanh nghiệp lớn và FDI là mảng mới được ACB phát triển vài năm gần đây theo nguyên tắc không tập trung vào một thị trường duy nhất.
“Sau khi có thông tin thuế quan của Mỹ, chúng tôi thăm hỏi khách hàng thì ghi nhận chưa có ảnh hưởng sâu sắc ở phân khúc này,” ông Phát nói. Các doanh nghiệp lớn, FDI mà ACB cho vay là những doanh nghiệp có hệ sinh thái lớn, có sự phân tán rủi ro và không tập trung vào một thị trường.
Trong khi đó, ở mảng truyền thống và có thế mạnh là bán lẻ, tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân, SME đang tăng trở lại. Đây là những cơ sở để ACB giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 ở mức 16 – 18% dù kinh tế vĩ mô có những thách thức.
Chủ tịch hội đồng quản trị ACB, ông Trần Hùng Huy trong phát biểu kết luận đại hội đồng cổ đông cho biết, với tình hình kinh tế khó lường và mức áp thuế mới của Mỹ, bài toán 2025 còn nhiều ẩn số và là một trong những việc ACB phải tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Bên cạnh bài toán ngắn hạn này, ACB cũng không thể quên những vấn đề trung hạn, dài hạn của thị trường. Đó là cạnh tranh khốc liệt để giữ chân khách hàng; tuân thủ các quy định ngày càng gắt gao và sự phát triển của công nghệ, không chỉ là những lợi ích mà trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) mang đến mà còn là các vấn đề bảo mật, lừa đảo…
Trong giai đoạn chiến lược 2025 – 2030, ACB cần đẩy mạnh và tập trung vào 3 khía cạnh: đầu tư vào mảng thế mạnh – bán lẻ và vào khách hàng doanh nghiệp; phát triển năng lực mới để thay đổi mô hình kinh doanh; đầu tư công nghệ thông tin, ứng dụng AI vào vận hành.
Tổng giám đốc của ACB cho biết, qúy 1, trong bối cảnh có những yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen, tín dụng của nhà băng này tăng 13%, huy động tăng 2%; nợ xấu chưa tính CIC được kéo về mức 1,34% (cuối năm 2024 là 1,49%) và lợi nhuận đạt khoảng 20% kế hoạch cả năm.
Năm 2025, ACB đặt mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với kết quả 2024; tổng tài sản tăng 14% lên 984.967 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 14%; cho vay khách hàng tăng 16%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Mục tiêu này đã được các cổ đông biểu quyết thông qua.
Năm 2024, tín dụng ACB tăng 19,1%; tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) tiếp tục duy trì trên 12%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 21,7%.
Đại hội đồng cổ đông thường niên của ACB thông qua tờ trình chia cổ tức 2024 bằng tiền mặt 10% và cổ phiếu 15%, tương đương khoảng 11.170 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ phát hành thêm gần 670 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, thời gian thực hiện dự kiến trong quí 3.2025.
2 năm trước