Nhiều người thuộc cộng đồng LGBTQ+ cho biết họ cảm thấy dễ bị công kích, không được tôn trọng và không được tự do thể hiện bản thân tại nơi làm việc, theo báo cáo của Stonewall, tổ chức từ thiện ủng hộ LGBTQ+ hàng đầu tại Anh.
“Không có gì ngạc nhiên khi nơi làm việc lại là một trong những nơi mà các thành viên LGBT dễ cảm thấy bị phân biệt đối xử nhiều nhất sau gia đình và trường học,” ông Trần Thanh Phong, phó tổng giám đốc marketing của Prudential tại Việt Nam, cho biết tại sự kiện PRIDE AT WORK được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 13.10.
Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự đồng hành cùng cộng đồng LBGTQI+ trên các phương tiện truyền thông. Người sử dụng lao động không có đầy đủ thông tin và kiến thức về LGBT và luật lao động hiện hành không có quy định nào để ngăn chặn sự phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng tính dục và bản dạng giới, ông cho biết thêm.
Theo ông Trần Thanh Phong, một số lĩnh vực thân thiện hơn với LGBT như thời trang, giải trí, thiết kế, biểu diễn, quảng cáo và tiếp thị, tạo ra môi trường an toàn để thu hút, phát triển cũng như giữ chân nhân tài từ cộng đồng LGBT. Nhưng các lĩnh vực khác vẫn còn tồn tại định kiến nhất định với người thuộc cộng đồng LGBT.
Báo cáo của Stonewall dựa vào dữ liệu 3.213 nhân viên thuộc cộng đồng LGBT ở Anh của YouGov cho biết hơn một phần ba nhân viên thuộc cộng đồng LGBTQ+ đã phải che giấu họ là LGBT tại nơi làm việc vì sợ bị phân biệt đối xử mặc dù có sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp. Cứ 10 người LGBT da màu, châu Á hoặc dân tộc thiểu số thì có 1 người tiết lộ rằng họ đã bị khách hàng hoặc đồng nghiệp công kích trong năm vừa qua.
Ông Ưng Hoàng Lợi, giám đốc chuyển đổi truyền thông & thương mại điện tử, P&G Việt Nam, chia sẻ cách đây 3 năm, công ty đã thực hiện một cuộc khảo sát ẩn danh. Kết quả là khoảng 20% nhân viên tham gia cuộc khảo sát nói rằng họ thuộc cộng đồng LGBT. Và trên thực tế, 70% trong số họ không muốn công khai xu hướng tính dục khi đến làm việc ở P&G vì sợ những thành kiến, những câu hỏi từ những người khác cố ý nhắm đến xu hướng tình dục của mình.
Đây là lý do tại sao công ty khởi động các sáng kiến dành cho cộng đồng LGBTQ+, đại diện cho những nhân viên đồng tính, song tính, chuyển giới và những đồng minh (ally) của họ. Và một trong những điểm khởi đầu lớn nhất là từ ‘ally’. Có nghĩa là bất kỳ nhân viên nào cũng có thể là đồng minh, người ủng hộ của cộng đồng LGBTQ+.
Bà Ngô Lê Phương Linh, giám đốc Trung tâm ICS, cho biết tại Việt Nam, do sự khác biệt về văn hóa, sự hiểu biết, thậm chí về ngôn ngữ, nên có rất nhiều điều chúng ta sẽ cần phải thích nghi và quan tâm đến. Một lần nữa, cần rất nhiều nỗ lực cũng như thời gian để thay đổi suy nghĩ của mọi người. “Tôi đồng ý không bao giờ là đủ nếu chỉ có chính sách nhưng là một khởi đầu rất tốt. Chúng ta có thể bắt đầu từ đó, làm việc cùng nhau để tạo ra một môi trường an toàn và hòa hợp thực sự.”
Theo ông Trần Thanh Phong, chính sách là một chuyện, nhưng cái chúng ta đang thiếu trong môi trường doanh nghiệp là sự hiện diện của những nhà lãnh đạo thuộc cộng đồng LGBTQ+. Có thể trong giới giải trí có các nam nữ diễn viên đủ can đảm để nói rằng “Tôi là người đồng tính”. Nhưng chúng ta khó có thể thấy điều đó trong doanh nghiệp. “Lý do tại sao tôi phải đề cập đến sự đại diện của các nhà lãnh đạo là bởi vì nếu các nhà lãnh đạo không cảm thấy đủ an toàn để công khai bản dạng giới với đồng nghiệp và với tổ chức của mình, thì làm sao họ có thể mong đợi nhân viên công khai.”
Ông Alan Phan, giám đốc sáng lập trường tiểu học North London Collegiate Hồ Chí Minh, cho biết nếu bạn tạo ra một không gian an toàn để họ ra ngoài và không phải lo sợ bị chế giễu, hoặc bất kỳ hậu quả nào khác, thì bạn biết rằng họ sẽ tiến lên phía trước. Nếu không có không gian an toàn, họ sẽ không bao giờ tiến tới. “Tôi muốn khuyến khích mọi doanh nghiệp, tổ chức, dù lớn hay nhỏ, hãy tham gia một số khóa đào tạo để có thể tìm hiểu thêm LGBT. Bạn cần một chuyên gia đến nơi làm việc để giáo dục cho nhân viên.”
Sự kiện PRIDE AT WORK do công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam (Prudential) và hiệp hội Các doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham Việt Nam) lần đầu tiên đồng tổ chức nhằm thúc đẩy văn hóa đa dạng và hòa hợp tại nơi làm việc thông qua thảo luận các vấn đề cũng như trải nghiệm mà cộng đồng LGBTQ+ gặp phải trong môi trường làm việc tại Việt Nam.
3 tháng trước
3 năm trước
Người sáng lập Cơ khí Duy Khanh: Sống với đam mê