Gói tín dụng 100 triệu USD do MB Bank kết nối với 6 ngân hàng quốc tế hợp vốn cấp cho Lộc Trời (UPCoM: LTG) đầu tư mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao.
Theo đó, khoản vay đến từ việc hợp tác giữa ngân hàng Quân đội (MB) của Việt Nam với ngân hàng Kasikronbank của Thái Lan làm đầu mối thu xếp nguồn vốn có thời hạn ba năm với 5 ngân hàng nước ngoài khác gồm First Commercial Bank, Agricultural Bank of China, China Construction Bank, CTBC Bank và E.SUN Commercial Bank.
Lộc Trời sẽ sử dụng khoản vay này để bổ sung vốn lưu động cho việc mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao, đảm bảo nguồn cung xuất khẩu cho các đơn hàng sắp tới, theo công bố lên đến 400.000 tấn đã ký kết được tính đến tháng 10.2022.
Gói tín dụng sẽ được giải ngân theo tiến độ mùa vụ, thông qua việc cấp giống, vật tư và các dịch vụ nông nghiệp của tập đoàn cho các liên minh hợp tác xã, hợp tác xã, tổ sản xuất và các hộ nông dân liên kết với Lộc Trời.
Lộc Trời cũng sẽ số hóa toàn bộ quy trình thông qua ứng dụng công nghệ được phát triển riêng với giao diện dễ sử dụng để nông dân dễ dàng theo dõi tiến độ sản xuất trong suốt thời gian canh tác.
Ông Lê Thanh Hạo Nhiên, giám đốc Tài chính Lộc Trời cho biết, lần nhận vốn này chủ yếu từ các ngân hàng nước ngoài nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế sau khi tập đoàn đã hợp tác với các định chế tài chính trong nước.
Theo ông Nhiên, gói vay là kết quả đàm phán trong hơn một năm có tính đến các biến động kinh tế vĩ mô và mặt bằng lãi suất nên thỏa thuận lãi suất đạt được “là tối ưu trong điều kiện hiện tại và ổn định tương đối trong giai đoạn ba năm”.
Ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch tập đoàn Lộc Trời, cho biết nguồn vay hợp vốn 100 triệu USD lần này là khởi đầu cho mục tiêu huy động đến 1 tỉ USD nhằm tăng vốn chủ sở hữu lẫn vốn vay trong 3-5 năm tới của tập đoàn này.
“Lộc Trời phát triển thông qua mạng lưới sản xuất khoảng 1 triệu ha lúa chất lượng cao trong nông dân, dự định huy động 1 tỉ USD là cần thiết cho mục tiêu này và có thể cần thêm 2 tỉ USD khác trong dài hạn,” chủ tịch Lộc Trời nói và cho biết gần đây tập đoàn đã tiếp xúc với các đối tác, nhà quản lý lúa gạo Thái Lan để hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm phát triển.
Lộc Trời hiện hoạt động theo mô hình tập đoàn dịch vụ nông nghiệp, tổ chức sản xuất nông sản quy mô lớn với quy trình canh tác cơ giới hóa, mạng lưới liên kết gồm các hợp tác xã và hơn 200.000 hộ nông dân.
Mới đây, thương hiệu Cơm Việt Nam Rice chính thức được bán vào thị trường châu Âu thông qua hệ thống đại siêu thị hàng đầu châu Âu và Pháp gồm Leclerc và Carrefour.
Kết quả kinh doanh của tập đoàn sáu tháng đầu năm ghi nhận doanh thu 5.965 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 139 tỉ đồng, mặc dù doanh thu thuần tăng 15% nhưng lãi ròng giảm 40% so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí tài chính tăng cao do lỗ chênh lệch tỉ giá đồng thời chi phí bán hàng tăng do chi phí vận chuyển và xuất khẩu đều tăng.
Lộc Trời nằm trong danh sách 25 thương hiệu công ty F&B dẫn đầu Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn cho năm 2022.
Đọc thêm
25 thương hiệu công ty F&B dẫn đầu
Mảng lương thực bứt phá thành trụ cột doanh thu của Lộc Trời
Cropin phát triển công nghệ hỗ trợ ngành nông nghiệp toàn cầu
Đại dịch khiến nhu cầu thực phẩm tăng vọt làm giàu cho tỉ phú nông nghiệp
Cách nông dân ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau ở Hong Kong
1 năm trước
7 tháng trước
1 năm trước
3 năm trước
“Chia tay” Lộc Trời, Syngenta bắt tay VFC