Đến 31.10, có 69 nhà máy điện gió đã được công nhận vận hành thương mại để được hưởng giá FIT. Số còn lại sẽ áp dụng theo cơ chế đấu thầu đang được bộ Công Thương nghiên cứu.
Thông tin tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố hôm nay 3.11 cho biết, có 69 trong tổng số 106 nhà máy điện gió đăng ký đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD) trước đó đã kịp đóng điện, hòa lưới và thử nghiệm trước ngày 31.10. Tổng công suất của các nhà máy này đạt 3.299 MW, trong đó phần lớn là nhà máy được công nhận toàn phần, số ít được công nhận một phần.
Như vậy, với việc được công nhận COD trước ngày 31.10 này, các nhà máy kể trên sẽ được hưởng giá ưu đãi cố định (FIT) trong 20 năm theo quyết định 39/2018 của Chính phủ. Theo đó, giá mua điện gió trên biển là 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng) còn điện gió trên bờ là 8,5 cent/kWh (khoảng 1.927 đồng), chưa gồm thuế VAT. Điều đó cũng có nghĩa, các dự án không kịp vận hành sẽ chuyển sang áp dụng cơ chế giá mới, có thể là giá đầu thầu đang được bộ Công Thương nghiên cứu và hoàn thiện.
Cũng theo EVN, cộng với 15 dự án điện gió đã được công nhận COD và vận hành từ trước, thì trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất 3.980 MW .
Trước đó, lãnh đạo cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, bộ Công Thương khẳng định cơ quan này không xem xét và kiến nghị Chính phủ gia hạn giá FiT sau ngày 31.10.2021 dù đã nhận nhiều ý kiến đề xuất từ ủy ban nhân dân các tỉnh và các chủ đầu tư. Sau ngày này, bộ Công Thương sẽ nghiên cứu đề xuất các phương án đấu thầu để xác định giá điện gió.
Thời gian qua, ủy ban nhân dân nhiều tỉnh thành có các dự án điện gió như Sóc Trăng, Gia Lai, Trà Vinh, Cà Mau đã có văn bản đề nghị Chính phủ gia hạn giá FiT sau 31.10 để hỗ trợ các chủ đầu tư gặp khó khăn trong thi công dự án vì dịch bệnh bùng phát khiến việc vận chuyển thiết bị kéo dài…
Hội đồng Điện gió toàn cầu (GWEC) cũng đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị kéo dài thời hạn giá FiT thêm sáu tháng, đến tháng 4.2022. Tổ chức này ghi nhận sẽ có khoảng 4.000 MW, tương đương 71% tổng công suất của các dự án đã nộp hồ sơ đề nghị nối lưới không kịp vận hành thương mại trước thời hạn FiT.
2 năm trước
BIM đón làn gió mới1 tháng trước
Bài toán khó của Quy hoạch Điện VIII2 năm trước
Dòng năng lượng xanh