Sức mua trên thị trường được dự báo sẽ sụt giảm khi xu hướng cắt giảm chi tiêu đang diễn ra tất cả các nhóm khách hàng.
Chia sẻ tại tọa đàm “Tìm và giữ chân khách hàng sau dịch Covid” diễn ra tối 9.10, bà Nguyễn Phương Nga, giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Kantar Việt Nam thông tin, chưa bao giờ người tiêu dùng lại có tâm lý bi quan như thời điểm hiện nay. Khảo sát Kantar thực hiện trong tháng 9 với 2.000 hộ gia đình ở 4 thành phố chính gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ cho thấy, 54% hộ gia đình cho biết không ổn hoặc đang phải cắt giảm chi tiêu. Kết quả này gây sốc cho đơn vị thực hiện khảo sát bởi đây là lần đầu tiên tỷ lệ ở mức cao như vậy. Trước đó, khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên dẫn đến việc giãn cách xã hội vào đầu quý 2.2020 một cuộc khảo sát tương tự tiến hành, kết quả khi ấy chỉ có 30% người tham gia khảo sát cho biết không ổn về tài chính hoặc cắt giảm chi tiêu.
Theo khảo sát, nhóm các hộ gia đình có thu nhập cao lẫn nhóm thu nhập thấp đều bày tỏ sự lo lắng và thận trọng. Những hộ gia đình có thu nhập chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng cho biết có tâm lý tiết kiệm vì nhìn môi trường kinh doanh và xã hội xung quanh. Theo khảo sát mối quan tâm của người tiêu dùng hàng đầu hiện nay không phải là về vấn đề sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm và thu nhập như thứ tự khảo sát nhiều lần trước đây mà thời điểm hiện nay là dịch bệnh, việc làm và chi phí cho các hàng hóa thiết yếu như lương thực thực phẩm.
Trong bối cảnh dịch bệnh và kinh tế suy giảm, xu hướng tiêu dùng chỉ tập trung vào hàng thiết yếu trong khoảng 6-12 tháng tới. Khái niệm thiết yếu sẽ rất rộng và tùy vào hoàn cảnh và cấu trúc của mỗi gia đình. “Nhà có con nhỏ thì hàng thiết yếu sẽ là tã, sữa nhưng với người già thì là thuốc. Nhưng dù là gì thì đều phải thực sự cần thiết. Sẽ ít có chuyện mua bán vung tay, tùy hứng”, bà Nga nói và nhấn mạnh các doanh nghiệp sẽ thấy sự sụt giảm vì người tiêu dùng chưa dùng hết hàng đã tích trữ trước đó cũng như giảm mua sắm khi thu nhập giảm.
Xu hướng thắc lưng buộc bụng của người tiêu dùng cũng tác động đến các doanh nghiệp thực phẩm. Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TPHCM chia sẻ, các doanh nghiệp trong ngành đã tái khởi động sản xuất rất nhanh và dự kiến trong tuần tới có thể đạt 100% công suất, hàng hóa sẽ phong phú vào dịp tết Nguyên đán. Tuy nhiên mối lo của các doanh nghiệp lúc này là người tiêu dùng không còn mua sắm như trước.
Theo bà Chi, ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thu nhập suy giảm, chắc chắn doanh số bán hàng, sức mua của thị trường nội địa sẽ giảm xuống. Lý do, hàng chục ngàn người lao động từ các địa phương khác đã rời TP.HCM và mọi người đang điều tiết chi tiêu khi thu nhập giảm. Trước mắt, sức mua trong quý 4 dự báo sẽ sụt giảm nhiều dù có dịp cuối năm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lương thực thực phẩm còn thêm mối lo mất thị trường vào những sản phẩm nhập khẩu từ các nước láng giềng, tình trạng vốn đã xảy ra thời gian qua. “Nếu tới đây vẫn còn tình trạng cát cứ của các địa phương, đứt gãy nguyên liệu, công nhân và doanh nghiệp không đồng lòng thì nguy cơ này còn tiếp tục xảy ra”, bà Chi nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hồng Minh, giám đốc dịch vụ khách hàng và đối tác của sàn Tiki cho biết, số lượng khách hàng mua lương thực thực phẩm trên Tiki đã tăng theo chiều thẳng đứng giai đoạn tháng 7-9. Các tìm kiếm phổ biến nhất của khách hàng trên sàn thương mại điện tử này là rau củ, gạo, thịt, trứng. Khi hoạt động kinh tế khôi phục từ đầu tháng 10.2021 sức mua không cao như trước đây nhưng doanh số của một số mặt hàng như hàng tươi sống vẫn giữ ở mức cao.
Bà Nga nhận định, tâm lý cắt giảm chi tiêu sẽ ảnh hưởng đến chiến lược và hoạt động bán hàng của doanh nghiệp rất nhiều. Bởi lẽ, người tiêu dùng sẽ tiếp tục chọn kênh mua sắm online vì dễ dàng quản lý chi tiêu, so sánh được giá. Người tiêu dùng cũng sẽ chọn những sản phẩm mà giá trị nhận được phù hợp với giá tiền, loại bỏ những sản phẩm không nhận thấy được sự khác biệt. Vì vậy, khi sức mua suy giảm các doanh nghiệp sẽ phải thuyết phục khách hàng về tác dụng, công năng sản phẩm.