Kinh doanh

53% doanh nghiệp Nhật dự báo lợi nhuận cải thiện trong năm 2023

2 năm trước
Tác giả Tuyết Ân

53,6% doanh nghiệp Nhật đang kinh doanh tại Việt Nam dự báo triển vọng lợi nhuận năm 2023 sẽ được cải thiện so với năm 2022 trong khi 6,9% dự báo xấu đi, là mức lạc quan so với toàn khu vực châu Á và châu Đại Dương.

Share
this:

Kết quả trên từ khảo sát thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam năm 2022 do Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện vừa chính thức công bố hôm 16.12.  

Tuy nhiên con số nói trên thấp hơn năm 2022 này. Khảo sát cho thấy có 59,5% doanh nghiệp dự báo có lãi trong năm nay – tăng 5,2 điểm so với năm 2021, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 20,8% – giảm 7,8 điểm.

Mặc dù tăng so với năm 2021 nhưng tỷ lệ doanh nghiệp Nhật có lãi tại Việt Nam tương đối thấp so với tỷ lệ trung bình của khu vực ASEAN (63,5%) cũng như toàn châu Á và châu Đại Dương (65,6%).

Phương hướng kinh doanh trong 2 năm tới của doanh nghiệp Nhật

Các doanh nghiệp Nhật cho biết lý do hàng đầu giúp lợi nhuận kinh doanh năm nay được cải thiện là nhờ thị trường phục hồi sau đại dịch. Doanh thu tăng từ việc mở rộng xuất khẩu cùng với lực mua của thị trường nội địa tăng trở lại.

Đặc biệt, gần 35% doanh nghiệp trong ngành chế tạo tăng được lợi nhuận nhờ vào việc cải thiện năng suất lẫn vận hành. Trong khi 15,6% trong khối doanh nghiệp phi chế tạo cho biết nhờ hưởng lợi từ sự vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh và hưởng lợi từ biến động tỷ giá (12,5%)

Tuy nhiên phần lớn nhóm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thiếu tích cực cho biết do họ chịu chi phí tăng từ nguyên nhiên vật liệu và linh phụ kiện, chi phí logistics, nhân công cũng như biến động tỷ giá và bị ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine. Đặc biệt các công ty sản xuất tiêu dùng và ngành dịch vụ trực tiếp chịu mức tăng đáng kể.

Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới tiếp tục gia tăng và là mức cao nhất trong khu vực ASEAN.

Đặc biệt khảo sát cho thấy 60% doanh nghiệp Nhật có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm trước, với động lực lớn đến từ cả khối sản xuất và bán hàng. Tỷ lệ này cao nhất trong khối ASEAN, chỉ xếp sau Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan. Chỉ 1,1% doanh nghiệp trả lời sẽ “thu hẹp” hoặc chuyển sang nước thứ ba, giảm 1,1 điểm so với năm trước.

Trong đó, có 54,4% doanh nghiệp ngành chế tạo cho biết sẽ mở rộng quy mô – tăng 2,7 điểm so với năm trước. Có đến 65,9% doanh nghiệp phi chế tạo cho biết sẽ mở rộng kinh doanh (tăng 7,2 điểm), đặc biệt số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nhón này có mong muốn mở rộng tăng mạnh.

Khảo sát được JETRO thực hiện từ tháng 8 đến tháng 9.2022 tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á và châu Đại Dương. Trong đó có phản hồi từ 603 doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo số liệu bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm nay, Nhật là nhà đầu tư lớn thứ hai rót vốn vào Việt Nam, sau Singapore, với hơn 4,6 tỉ USD và chiếm 18,3% tổng vốn FDI, đưa tổng vốn đầu tư lũy kế của Nhật vào Việt Nam đến nay lên 69 tỉ USD, đứng sau Hàn Quốc.

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 tại Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và EU với kim ngạch thương mại song phương 11 tháng đầu năm 2022 đạt 43,7 tỉ USD, với mức xuất siêu 300 triệu USD, theo báo cáo của bộ Công Thương.