Nghệ sĩ Tóc Tiên, người có trải nghiệm làm đại sứ thương hiệu cho 40 nhãn hàng, có bốn nguyên tắc khi làm việc.
Xuất hiện tại Hội nghị Thương hiệu của Forbes Việt Nam, ca sĩ Tóc Tiên đã có những chia sẻ thú vị về vai trò của “Vị đại sứ thương hiệu”, những trải nghiệm làm việc của một nghệ sĩ với các nhãn hàng với tư cách là đại sứ thương hiệu.
Tóc Tiên đã có TVC đầu tiên với tư cách đại sứ thương hiệu của nhãn hàng Biore khi còn là học sinh cấp 3, cô là người mẫu quảng cáo biết hát. Đến nay, sau 16 năm, nghệ sĩ này đã hợp tác với 40 nhãn hàng trong và ngoài nước ở nhiều ngành hàng khác nhau.
Thậm chí có những chiến dịch thương hiệu ca sĩ tham dự có tính chất đột phá: ca sĩ tóc ngắn đầu tiên quảng cáo cho dầu gội đầu, xây dựng hình tượng Tóc Tiên AI…
Theo Tóc Tiên, đại sứ thương hiệu là hình thức hợp tác, sử dụng một gương mặt nổi tiếng đại diện và đồng hành cùng doanh nghiệp trong một chiến dịch nhất định hoặc một khoảng thời gian nào đó nhằm mục đích tiếp thị và quảng cáo sản phẩm. Để thương hiệu thu hút được khách hàng cũng như chiếm được sự tin tưởng và ủng hộ, thông thường các doanh nghiệp thường hợp tác với các gương mặt có tầm ảnh hưởng lớn đối với công chúng như: ca sĩ, diễn viên, doanh nhân…
Cô chia sẻ, đại sứ thương hiệu với các vai trò quan trọng: 1. Tạo sự tin cậy; 2. Lan tỏa sự hấp dẫn; 3. Tính phù hợp với định hướng thương hiệu và sản phẩm của công ty. Theo đó khi làm việc với các nhãn hàng Tóc Tiên đưa ra bốn nguyên tắc:
1. Phải bảo vệ danh tiếng của bản thân để gìn giữ sự tin cậy của nhãn hàng, khách hàng.
2. Chuyên nghiệp, thể hiện ở thái độ làm việc luôn luôn đúng giờ, hợp tác, hoàn thiện tất cả mọi việc liên quan theo hợp đồng và đặc biệt là tôn trọng các nhãn hàng ngay cả khi không còn hợp tác hoặc sắp hợp tác.
“Trước đây tôi có cơ hội làm đại sứ thương hiệu cho một nhãn hàng trong 2-3 năm. Sau khi dừng hợp tác, tôi nhận được lời mời của một nhãn hàng khác, cùng ngành, cùng phân khúc khách hàng, tôi đã từ chối vì việc trở thành đại sứ thương hiệu mới này không có lợi cho mình, không định hình được hình ảnh của Tóc Tiên cũng như không có sự tôn trọng cho cả hai nhãn hàng mới và cũ,” Tóc Tiên kể và theo cô, cần ít nhất một năm để hợp tác với nhãn hàng mới sau khi kết thúc với nhãn hàng cũ trong những trường hợp như vậy.
3. Xuất hiện chọn lọc, từ chối với những thương hiệu không hoặc đã không còn phù hợp với định hướng của bản thân. Tóc Tiên từng chủ động xin ngừng hợp tác với một nhãn hàng vì thấy mình không thể tiếp tục theo đuổi hình ảnh nhí nhảnh khi đã gần 30 tuổi, xác lập một phong cách cá nhân mới.
4. Cuối cùng, cần luôn nâng cấp bản thân, đều này thể hiện ở những sản phẩm nghệ thuật được đầu tư.
Chia sẻ của nữ ca sĩ đã nhận được sự tán thưởng của người tham dự hội nghị và giới thiệu một hình ảnh Tóc Tiên hoàn toàn khác: thông minh, hóm hỉnh, chuyên nghiệp, có tư duy và định hướng phát triển riêng… so với hình tượng giải trí ca hát trên sân khấu. Bài trình bày của ca sĩ đã khép lại Hội nghị Thương hiệu năm 2022 của Forbes Việt Nam.
————————————–
Xem thêm
Dữ liệu có thể trở thành “vũ khí” trên kênh thương mại điện tử
Xây dựng thương hiệu: Giữ vững nguyên bản và sáng tạo trên từng điểm chạm đến khách hàng
Chân dung mới của khách hàng: Ưu tiên trải nghiệm và cân bằng cuộc sống với công việc
Forbes Việt Nam khai mạc Hội nghị Thương hiệu 2022
Danh sách 25 thương hiệu công ty F&B dẫn đầu 2022
Danh sách 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu 2021
1 năm trước
3 năm trước
Facebook thay tên mới Meta có ý nghĩa gì?2 năm trước
“Giải mã” sức hút bí ẩn của thương hiệu Nón Sơn