Năm 2022, Forbes Việt Nam tính toán giá trị thương hiệu của các công ty trong lĩnh vực F&B. Sự điều chỉnh này bắt đầu từ năm 2021 nhằm mở rộng đối tượng tính toán và tập trung tính toán chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Theo nguyên tắc chung, lợi nhuận của doanh nghiệp được tạo ra từ tài sản hữu hình và vô hình. Vì vậy, thương hiệu có đóng góp vào lợi nhuận, phần đóng góp đó chính là giá trị thương hiệu công ty đó.
Để tính toán, Forbes Việt Nam tập hợp dữ liệu tài chính của các công ty trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống có thời gian hoạt động trên năm năm. Với các công ty đại chúng, chúng tôi sử dụng báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Với một số công ty tư nhân lớn, chúng tôi cần sự hợp tác cung cấp các số liệu tài chính (Tân Hiệp Phát, TH Milk… không công bố số liệu). Forbes Việt Nam loại bỏ các công ty kinh doanh lỗ hoặc có vị thế thấp trong ngành. Với sự hỗ trợ tính toán của công ty chứng khoán SSI, sử dụng phương pháp độc quyền của Forbes (Mỹ), chúng tôi xác định lợi nhuận của công ty tạo ra từ tài sản vô hình (loại bỏ lợi nhuận tạo ra từ các tài sản hữu hình). Giá trị thương hiệu công ty được xác định từ con số này sau khi phân bổ hệ số đóng góp của thương hiệu trong từng ngành và hệ số P/E trung bình của ngành đó tại thời điểm tính toán.