multi-media / Megastory

25 năm đưa nữ cử nhân kế toán thành CEO công ty công nghệ Misa

25 năm gắn bó với một công ty công nghệ duy nhất, bà Đinh Thị Thúy, cử nhân kế toán, trở thành CEO điều hành đội ngũ 2.600 người với nhiều kỹ sư IT.

Một ngày hè cách đây 25 năm, một cô gái đen nhẻm, cao gầy đứng trước cổng viện Công nghệ thông tin (Hà Nội) rụt rè hỏi bảo vệ tìm gặp “bác Lữ Thành Long.”

Đang thực hiện luận văn tốt nghiệp về đề tài quản lý nguyên vật liệu nên cô cần hiểu “đường đi” của chứng từ đầu vào, đầu ra, vì thế tìm gặp “bác Long” qua địa chỉ tìm thấy trong cuốn hướng dẫn sử dụng phần mềm Misa ở nơi thực tập. Lên tầng sáu, cô gặp thạc sĩ Lữ Thành Long, người hơn cô bốn tuổi, vừa mới cưới vợ. “Bác” Long không những cử người hỗ trợ mà còn mở lời mời cô về làm việc sau khi tốt nghiệp.

Ba tháng sau, cô tân cử nhân trường đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội, nay là học viện Tài chính, quay lại Misa xin việc, văn phòng lúc này đã chuyển đến địa điểm mới. Cô hoàn thành yêu cầu “viết công tác tổ chức kế toán của một nhóm hoạt động độc lập”. Hai tuần sau, cô trở thành nhân viên kế toán đầu tiên của Misa, nhóm phát triển phần mềm kế toán khi đó vừa tách ra từ viện Công nghệ thông tin.

“Một kỷ niệm khác rất buồn cười ở lần đầu tiên tôi đến Misa. Lúc đó là buổi trưa, tôi thấy các anh đi vào một cái phòng nhỏ có kính, nghĩ là vào bếp ăn. Các anh gọi tôi vào nhưng tôi không dám, chạy một mạch từ tầng sáu xuống tầng một. Xuống đến nơi thì thấy các anh đã ở dưới đất. Các anh nói vừa đi thang máy,” bà Đinh Thị Thúy, tổng giám đốc công ty cổ phần Misa, cười nhớ lại trong cuộc trò chuyện với Forbes Việt Nam tại trụ sở ở tòa nhà Technosoft (Duy Tân, Hà Nội).

Tính đến hiện tại, nữ CEO sinh năm 1976 có 25 năm gắn bó với Misa, công ty có lịch sử 29 năm. Bà Thúy đã hai nhiệm kỳ đảm nhận vai trò tổng giám đốc điều hành tại một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin tư nhân đời đầu của Việt Nam, và là một trong những nữ CEO công ty công nghệ hiếm hoi tại Việt Nam.

“Có hai lý do tôi gắn bó với Misa. Thứ nhất là môi trường phát huy thế mạnh, làm công việc yêu thích. Thứ hai là định hướng chiến lược công ty tốt, người thủ lĩnh dẫn đường tốt, luôn nghĩ trước mọi người, và mình học hỏi được rất nhiều,” bà Thúy lý giải việc mình không khởi nghiệp riêng.

Misa, tiền thân là một nhóm nghiên cứu phát triển phần mềm kế toán thuộc viện Công nghệ thông tin do ông Lữ Thành Long (cựu sinh viên đại học Bách khoa Hà Nội, sinh năm 1972) và người bạn Nguyễn Xuân Hoàng (cựu sinh viên đại học Tổng hợp Hà Nội, sinh năm 1974) sáng lập năm 1994. Tháng 12.2019, Misa nhận đầu tư từ quỹ TA Associated nhưng số tiền và số cổ phần không được tiết lộ. Hiện tại, doanh nghiệp phần mềm này có hơn 2.600 nhân sự. Năm 2022, Misa nằm trong nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Hội đồng quản trị và ban điều hành công ty cổ phần Misa. Ông Lữ Thành Long, sáng lập và chủ tịch Misa (thứ hai từ trái sang) là người ra đề bài “viết công tác tổ chức kế toán của một nhóm hoạt động độc lập” cho bà Thúy qua điện thoại vào năm 1998. Ảnh: Misa

Hiện tại, phần mềm Misa đã được 10 ngàn xã phường và 55 ngàn đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng, chiếm hơn 80% thị phần. Từ phần mềm kế toán, Misa đã cung cấp thêm phần mềm quản lý tài sản, quản lý cán bộ, quản lý giáo dục và mới nhất là quản lý ngân sách. Theo báo cáo tài chính, doanh thu năm 2022 đạt 1.150 tỉ đồng, trong đó mảng phần mềm cho khối hành chính sự nghiệp chiếm hơn 800 tỉ đồng.

Ở mảng doanh nghiệp, từ phần mềm kế toán, Misa tích hợp thêm phần mềm quản lý nhân sự, bán hàng – tiếp thị, vận hành thành Misa Amis, nền tảng quản trị hợp nhất. Amis cũng có cổng kết nối với cơ quan thuế, hải quan, bảo hiểm. Khoảng 75 ngàn khách hàng đang sử dụng nền tảng Amis, bên cạnh khoảng 160 ngàn khách hàng sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử.

“Cũng có nhiều doanh nghiệp khác làm phần mềm nhưng hệ thống đầy đủ nghiệp vụ với lõi là kế toán thì tôi chưa thấy. Misa đang là số 1 thị trường ở lĩnh vực này,” CEO Misa nói đồng thời cho biết việc dẫn đầu là một thách thức với doanh nghiệp vì phải luôn làm tốt để giữ vững vị thế, trong khi đối thủ có thể vươn lên rất nhanh nhờ công nghệ và quỹ đầu tư rót vốn.

Năm 2017, Misa ra mắt phần mềm Cukcuk – quản lý nhà hàng. Misa chọn phân khúc nhà hàng lớn để “giảm rủi ro khách hàng đóng cửa” và khai thác các sản phẩm khác có trong danh mục như phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử. Đến hiện tại, Cukcuk đang được khoảng 50 ngàn nhà hàng sử dụng. Đặc biệt, sản phẩm “make in Vietnam” này xuất khẩu đến 20 nước như Đức, Canada, các nước Đông Nam Á, đang đặt mục tiêu gia nhập thị trường Mỹ trong năm 2023, tăng gấp hơn 50 lần doanh thu trong vòng năm năm tới.

Ông Nguyễn Việt Anh, giám đốc công ty TNHH Kiểm toán và Định giá AZ đánh giá các doanh nghiệp nhỏ như công ty AZ dùng phần mềm kế toán Misa thấy tiện vì giá khá rẻ, chạy ổn định, phù hợp với số đông và được chăm sóc, hỗ trợ tốt. Ông Việt Anh cho rằng Misa có những ưu điểm này nhờ lịch sử nhiều năm trong lĩnh vực, có dữ liệu khách hàng và đội ngũ kinh doanh lớn.

Gắn bó với công ty 25 năm, những cột mốc quan trọng của Misa bà Thúy đều có mặt. Ngày đầu, sản phẩm mới, khách hàng chưa hiểu phần mềm – một thứ “vô hình”, nhiều trường hợp nhân sự phòng kế toán còn chưa biết sử dụng máy tính nên việc thuyết phục rất khó khăn. Misa đặt mục tiêu trong ba năm phát triển lên 10 ngàn khách hàng.

Chương trình “mua máy tính được phần mềm” được triển khai. Khách hàng bỏ ra từ bảy triệu đồng sẽ có máy tính và được cài đặt phần mềm kế toán Misa, được hướng dẫn sử dụng khi có phiên bản mới. Thậm chí, với nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp, bà Thúy khi đi đến nơi tập huấn còn nhập dữ liệu vào buổi tối cho họ để ra được báo cáo, thành phẩm cuối cùng.

Bà Đinh Thị Thúy, tổng giám đốc công ty cổ phần Misa.

Là người làm kế toán tài chính đầu tiên giữa “những anh làm toàn về công nghệ,” bà Thúy vừa làm chuyên môn, vừa tư vấn nghiệp vụ kế toán để họ lập trình. Sau đó thì thử chương trình, tham gia viết tài liệu hướng dẫn theo ngôn ngữ của người dùng và trực tiếp đi giảng cho khách hàng. Chuyện ở lại văn phòng làm việc qua đêm trong giai đoạn cao điểm là bình thường.

Năm 1999, bà Thúy có hai tháng liên tục đi từ Buôn Ma Thuột đến TP.HCM rồi Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đứng lớp giảng dạy cho các đơn vị hành chính sự nghiệp sau khi đội ngũ đi trước đã thuyết phục sở tài chính các tỉnh cho mở lớp.

“Tôi đi làm nhưng chưa bao giờ đòi hỏi về lương. Hồi đó lương khởi điểm là năm trăm ngàn. Có những thời điểm công ty không có lương trả cũng chịu. Như hồi anh Long bị cú lừa, mất cả tiền và lô máy tính đặt mua mà không lấy lại được,” bà Thúy nhớ lại.

Năm 2003, bà Thúy được chuyển sang phụ trách kinh doanh sau khi Misa thành công ty cổ phần. Với bà Thúy, đây là công việc mới nhiều áp lực. Sau bốn năm thể hiện, bà thăng cấp thành giám đốc văn phòng Misa Hà Nội và thêm ba năm thì vươn lên vị trí phó tổng giám đốc. Đến năm 2016, bà được bổ nhiệm tổng giám đốc, nhiệm kỳ bốn năm. Năm 2020, hội đồng quản trị động viên thành viên hội đồng này làm thêm nhiệm kỳ thứ hai, kéo dài ba năm.

Bà Thúy cho biết, dấu mốc lớn nhất trong sự nghiệp là trở thành người làm tài chính kế toán đầu tiên tại một doanh nghiệp về kỹ thuật như Misa. Bà có thêm những trải nghiệm công việc mới, ví dụ như đi tập huấn cho khách hàng, làm kinh doanh bên cạnh nghiệp vụ được đào tạo.

Chuyên môn này khi làm điều hành giúp bà có tư duy, nhìn nhận và ra quyết định theo số liệu, tính ra ngay chi phí và lợi nhuận nên “cái gì hiệu quả mới làm.” Thi thoảng bà “là sợi dây diều”, kéo sự bay bổng của các cộng sự thiên về kỹ thuật. Bà cũng tự hào đã tuyển dụng và đào tạo được thế hệ kế cận. Một phó tổng giám đốc hiện tại là dân tài chính kế toán, đi lên từ nhân viên, trở thành trưởng phòng rồi giám đốc văn phòng.

Xuất thân từ kế toán, điều hành ở một doanh nghiệp công nghệ, bà Thúy thừa nhận mình cảm thấy áp lực do không có chuyên môn sâu. Thế hệ 7X cũng hạn chế về ngoại ngữ. Điều đó buộc bà phải học hỏi liên tục. Nhưng điều bà nhận lại được là tư duy luôn sáng tạo, đổi mới liên tục. Trong công việc, bà Thúy không phải là người quyết định cuối cùng về sản phẩm nhưng là người đưa ra yêu cầu để bộ phận chuyên môn giải quyết từ những tín hiệu thị trường.

Bà kể “năm nào cũng khó” vì ông Long luôn đưa ra chỉ tiêu kinh doanh rất cao. Như năm 2023, chỉ tiêu doanh thu lên tới 2.200 tỉ đồng, trong đó mảng phần mềm doanh nghiệp tăng lên mức 1.130 tỉ đồng. Cơ sở là nhu cầu phần mềm quản trị tăng lên khi doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số, thực hiện tái cấu trúc, đầu tư công nghệ để tăng năng suất… trong khi mảng hành chính sự nghiệp sẽ khó khi giải ngân đầu tư công bị ảnh hưởng.

Nhân viên Misa hướng dẫn khách hàng trong chương trình triển khai thí điểm gian hàng cấp phát chữ ký số cá nhân tại phố đi bộ Hồ Gươm Ảnh: Misa

Từ cuối 2020, Misa bắt đầu cung cấp nền tảng Misa Asp dành cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không có bộ phận kế toán. Trên nền tảng web của Misa, các khách hàng sẽ cung cấp dữ liệu để đơn vị làm dịch vụ kế toán thực hiện nghiệp vụ và cho ra báo cáo thuế, báo cáo tài chính. Nền tảng này được kỳ vọng giúp các đơn vị dịch vụ tăng năng suất lên gấp nhiều lần, còn các chủ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thay đổi cách nghĩ về báo cáo tài chính.

Bởi lẽ dữ liệu được đưa lên online, nhân viên của công ty dịch vụ có thể làm ở bất kỳ đâu, thông tin xử lý sẽ cho ra báo cáo tài chính và báo cáo quản trị theo đúng quy định kế toán, không còn khái niệm hai sổ. Hiện tại, nền tảng này có 15 ngàn thuê bao đăng ký trả phí 2,4 triệu đồng mỗi năm và 300 đối tác làm dịch vụ kế toán không phải trả phí.

Bà Đồng Như Anh, tổng giám đốc công ty cổ phần Đào tạo và Tư vấn thuế Việt Nam (VTAX) cho biết, ra đời đúng giai đoạn dịch COVID-19, Misa Asp là nền tảng web đầu tiên dành cho doanh nghiệp dịch vụ cho phép người dùng làm việc online. Các công ty dịch vụ nhờ vậy dễ dàng quản lý dữ liệu, theo dõi tiến độ làm việc của nhân viên và nhân sự có thể làm việc  mọi lúc, mọi nơi.

Bà Như Anh đánh giá, Misa là công ty có nhiều năm làm phần mềm kế toán, tệp khách hàng lớn, lại đưa vào giảng dạy ở các trường đại học, đội ngũ nhân sự đông đảo nên các công ty dịch vụ khi sử dụng phần mềm Misa có được những lợi thế: nhân viên thường đã biết; tương thích với nền tảng khách hàng đang sử dụng; được hỗ trợ tốt theo kênh tương tác riêng (khách hàng sỉ). Đồng thời, thông tin về chính sách quản lý của Misa thường có rất nhanh nên ngay sau khi các quy định thuế có hiệu lực là đã cập nhật trong phần mềm.

CEO Misa, bà mẹ của ba con, chia sẻ ở mỗi giai đoạn, bà đều có những mục tiêu ưu tiên. Lúc trẻ, bà chuyên tâm cho sự nghiệp, nhờ người thân hỗ trợ chăm sóc con cái, chấp nhận bớt cầu toàn, không ôm đồm nhưng vẫn tranh thủ có mặt ở mọi sự kiện của các con tại trường, tham gia tất cả ban đại diện hội phụ huynh. Đến giai đoạn này thì điều hành công ty theo nguyên tắc giao quyền và tin tưởng, chỉ làm những gì cấp dưới không làm được.

Thời gian còn lại dành để giao lưu, tìm khách hàng mới. “Chủ tịch của Misa từng chia sẻ vì sao lại tuyển tôi, cô bé vừa ra trường hồi đó. Anh Long nói nhìn mắt tôi sáng, tin là người thông minh. Tôi thì quan điểm ‘cần cù bù thông minh.’ Mỗi người cần học hỏi không ngừng ở sếp, ở đồng nghiệp, ở khách hàng,” bà Thúy nói.

Bản in đăng trên Forbes Việt Nam số tháng 4.2023 chủ đề “Thế hệ lãnh đạo kế tiếp”.