Biến thể “đáng lo ngại” omicron đã được phát hiện tại 24 quốc gia trên toàn thế giới, với Mỹ là cái tên mới nhất.
Biến thể omicron của COVID-19 đã được phát hiện tại 24 quốc gia, hôm 1.12 Mỹ đã trở thành nước mới nhất xác nhận một du khách có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể đột biến nặng hiện vẫn đang lây lan khắp các biên giới.
Tổng giám đốc tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong khi tổ chức này đánh giá biến thể Omicron là “cực kỳ nghiêm trọng”, nhưng “không phải điều gây ngạc nhiên vì đây là bản chất của virus và vẫn sẽ tiếp diễn khi chúng ta để cho chúng tiếp tục lây lan”.
Biến thể Omicron được phát hiện tại 24 quốc gia như Mỹ, Canada, Nam Phi, Botswana, Nigeria, Saudi Arab, Đức, Israel, Vương Quốc Anh, Ý, Bỉ, Hà Lan…
Sử dụng những “công cụ” có sẵn, như vaccine để phòng ngừa biến thể delta sẽ giúp kìm hãm biến thể Omicron, Tedros cho biết trong buổi họp báo về COVID-19. Theo Tedros, biến thể delta vẫn là nguyên nhân chính cho phần lớn số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu.
Mỹ đã xác nhận ca nhiễm đầu tiên từ biến thể Omicron tại California, sau khi một du khách trở về từ Nam Phi hôm ngày 22.11 cho kết quả xét nghiệm dương tính, CDC Mỹ cho biết hôm 1.12.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã hướng dẫn các hãng hàng không cung cấp thông tin liên lạc của những hành khách đã bay đến 8 quốc gia châu Phi, gồm Cộng hòa Botswana, Vương quốc Eswatini, Vương quốc Lesotho, Cộng hòa Malawi, Cộng hòa Mozambique, Cộng hòa Namibia, Cộng hòa Nam Phi và Cộng hòa Zimbabwe trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh vào Mỹ.
WHO đang nghiên cứu về cách biến thể Omicron ảnh hưởng đến việc truyền nhiễm và mức độ nghiêm trọng của virus, và liệu nó có làm đảo ngược hiệu quả trong xét nghiệm, liệu trình chữa trị và vaccine COVID-19 hay không.
Có 78% người trưởng thành ở Mỹ đã nghe “rất nhiều” hoặc “một chút” về Omicron và cảm thấy “rất” hoặc “có đôi chút” lo ngại cho việc biến thể này sẽ “tránh được vaccine COVID-19 hiện nay”, theo khảo sát của công ty phân tích và nghiên cứu thị trường của Mỹ Harris.
Harris đã làm khảo sát với 1.585 người trưởng thành Mỹ từ ngày 24 đến 28.11. Tỉ lệ người trưởng thành Mỹ lo lắng về biến thể omicron cao hơn 72% những người cho biết họ “rất” hoặc “đôi chút” lo ngại về chuỗi lây nhiễm từ biến thể delta từ ngày 9-11.7.
Biến thể omicron lần đầu được phát hiện tại Nam Phi cách đây một tuần trước, với hơn 30 đột biến protein gai. Vào ngày 30.11, tiến sĩ Anthony Fauci cho biết thông qua tiêm ngừa đầy đủ và tiêm mũi nhắc lại, mọi người có thể tự bảo vệ bản thân tốt hơn trước căn bệnh khiến cho họ phải nhập viện.
Các quốc gia đã hạn chế di chuyển bằng đường hàng không tới miền Nam châu Phi sau phát hiện về biến thể omicron. WHO đã khuyên những người từ 60 tuổi trở lên và có nguy cơ phát triển thành các triệu chứng bệnh nặng của COVID-19 nên trì hoãn kế hoạch đi du lịch.
Khi nhiều quốc gia đã ban hành lệnh hạn chế di chuyển tới các nước ở miền Nam châu Phi, Tedros cho biết ông “cảm thấy quan ngại sâu sắc” những quốc gia này đang bị “trừng phạt” vì phát hiện ra biến thể omicron. “Những lệnh hạn chế di chuyển sẽ không ngăn sự lây lan của omicron trên thế giới và những lệnh như vậy đặt những gánh nặng rất lớn lên đời sống và sinh kế” ông cho biết.
Nhận định của Tedros là đại diện cho ý kiến phản đối từ lãnh đạo các nước châu Phi, những người đã chỉ trích lệnh hạn chế di chuyển bị cho là sẽ gây ra thiệt hại cho các quốc gia phụ thuộc vào du lịch.
“Việc cấm di chuyển không được dựa trên yếu tố khoa học và sẽ không có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây lan của biến thể này” tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa cho biết hôm 28.11. Theo ông, hạn chế di chuyển sẽ chỉ “tăng thêm thiệt hại tới nền kinh tế của những quốc gia bị ảnh hưởng và giảm đi khả năng phản ứng, phục hồi từ đại dịch”.
Biên dịch: Minh Tuấn