Nhân vật

Ngôi nhà may mắn của Hoàng Nữ Ngọc Tim

Aline Rebeaud, hay Hoàng Nữ Ngọc Tim, sáng lập và điều hành Nhà May Mắn trong 28 năm qua, giúp đỡ những người lớn, trẻ em mồ côi, tật nguyền tìm lại cuộc sống cân bằng.

Share
this:

Những ngày này, Hoàng Nữ Ngọc Tim (tên khai sinh là Aline Rebeaud, thường gọi là Tim Aline) đang lo lắng vì một trong những đứa con của bà, sau khoảng tám năm rời vòng tay chăm sóc của bà để sống tự lập, trở về trung tâm Chắp Cánh ở Bình Tân (TP.HCM), thú nhận đang nghiện ma túy. Anh mắc chứng ảo giác, tin là mình đang có công việc rất tốt ở khách sạn, với mức lương hơn 20 triệu đồng mỗi tháng.

Đó là một trong hàng ngàn người không phải máu mủ, ruột thịt của Tim nhưng Tim đã cưu mang, nâng đỡ, chăm sóc, điều trị bệnh tật ở Việt Nam hơn hai thập kỷ qua. Có nhiều tin tốt lành từ những người kém may mắn sau khi được chăm sóc, sống tự lập, thành công. Nhưng cũng có những câu chuyện khiến bà phải tiếp tục lo lắng như đứa con mới trở về đó.

Nhà May Mắn là gia đình, với nhiều niềm vui, nhưng cũng vô cùng bận rộn, nhiều nỗi lo toan mà “một người mẹ rất đông con” như Tim phải gánh gồng. Chuyến đi Mông Cổ của họa sĩ trẻ 21 tuổi lại đưa bà đến Việt Nam, để bắt đầu hành trình mới: giúp đỡ những người kém may mắn. Trong 28 năm qua, bà đã từng chiến đấu với vô vàn khó khăn để xây dựng được bốn cơ sở, là nơi chăm sóc y tế, học tập, sinh hoạt, lao động, sống có ích và hạnh phúc cho những người kém may mắn tại TP.HCM và tỉnh Đắk Nông.

Tim Aline là minh chứng sống về tình thương nhân loại không phân biệt biên giới địa lý, dân tộc, màu da. Tại TP.HCM, tổ chức phi chính phủ Nhà May Mắn (Maison Chance) do bà sáng lập và điều hành có ba cơ sở, mỗi cơ sở cách nhau khoảng 1km tại quận Bình Tân.

Mái ấm Nhà May Mắn là chỗ ở cho trẻ mồ côi và người khuyết tật không nơi nương tựa. Trung tâm Chắp Cánh là nơi đào tạo nghề cho người khuyết tật, gồm phòng may, phòng vẽ, phòng chế tác đá quý, phòng tin học. Làng May Mắn có nhà trẻ, trường tiểu học, quán ăn, phòng bánh, và hồ bơi trị liệu. Làng cũng có bảy phòng khách cho thuê và 33 căn hộ phù hợp cho gia đình có một hay nhiều thành viên là người khuyết tật ngồi xe lăn.

Hoàng Nữ Ngọc Tim.
Hoàng Nữ Ngọc Tim. Ảnh: Thông Hoàng chụp cho Forbes Việt Nam

Hiện tại, những nơi này đang giúp đỡ tổng cộng khoảng 614 người thụ hưởng trực tiếp mỗi ngày, trong đó phần lớn là những người từng ở trong hoàn cảnh khốn cùng, các em nhỏ mồ côi, và những người khuyết tật nặng không nơi nương tựa. Còn tại Đắc Nông, cơ sở của Nhà May Mắn là trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắc Nông hoạt động từ năm 2018, với diện tích 2,7 héc ta, trên khoảng 30 hạng mục công trình.

Một trung trung tâm đa chức năng như chăm sóc, nuôi dưỡng, trị liệu phục hồi chức năng, giáo dục tiểu học, hướng nghiệp, đào tạo nghề, sản xuất, tạo việc làm phù hợp cho trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật. Năm 2019, nơi đây đã giúp đỡ 900 người. Tổ chức Nhà May Mắn có các đại diện tại Bỉ, Canada, Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ để gây quỹ và tạo dựng mạng lưới giúp phát triển các hoạt động nhân đạo tại Việt Nam.

Một sáng cuối tháng 2.2021, tại trung tâm Chắp Cánh có một cuộc gặp mặt của các thành viên, trong đó có cả đứa con mới trở về. Có tình nguyện viên đến trung tâm để thực hiện liệu pháp “trị liệu chòm sao gia đình – family constellations” để giúp phục hồi sức khỏe cho người con đó. Phương pháp trị liệu này tìm cách khơi gợi những cảm xúc tích cực giữa các thành viên trong một gia đình nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân do chuyên gia trị liệu tâm lý người Đức Bert Hellinger nghiên cứu và cổ súy. 

Đây là lần đầu tiên Tim thử liệu pháp đó để giằng đứa con ấy ra khỏi tay thần chết. Và bà sẽ không bỏ cuộc như vô số lần bà đối mặt với khó khăn.


Tim sinh ra ở Thụy Sĩ, cha là nhà báo, mẹ là ca sĩ, em trai kế bị điếc. Để nói chuyện với em, từ nhỏ, bà học cách sử dụng ngôn ngữ ra ký hiệu. 10 tuổi, bà lần đầu biết đến Việt Nam qua cuốn sách cùng tên mượn ở thư viện. Trên đó in hình ảnh đen trắng hai nam thanh niên, mái tóc cắt ngắn, ánh mắt nhìn thẳng, chụp năm 1951. Đó là lương duyên khó giải thích vì trong vô số cuốn sách, bà lại chọn cầm lên đúng cuốn về Việt Nam.

Ở tuổi 18-20, Aline là họa sĩ có hai triển lãm tương đối thành công ở Thụy Sĩ. Một trong số người triển làm cùng là họa sĩ người Mông Cổ, nên bà quyết định đi Mông Cổ. Với chút tiền từ các công việc ban đầu, bà đi qua Bắc Âu, Liên Xô, Mông Cổ, Trung Quốc, bằng đủ loại phương tiện, từ xe lửa, xe tải, xe buýt, tàu thủy, ngựa, và có lúc đi bộ. 21 tuổi, bà nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường bộ. Khi đó, bà trông cao ráo, thanh mảnh, đôi mắt rất sáng, nụ cười rất tươi với mái tóc cắt ngắn.

Hoàng Nữ Ngọc Tim và các thành viên của Nhà May Mắn. Ảnh: Nhà May Mắn

Theo lời kể của Tim, lần đầu tiên bà thực sự tiếp cận với sự đau khổ tột cùng của một số phận bất hạnh là vào một đêm khuya, trong một con hẻm ở Sài Gòn. Dũng khi đó chừng mười tuổi, nước da đen sì, đang ngồi sát một đống rác, ốm yếu, nóng sốt và dơ dáy. Em chỉ có một mình, đói, và kiệt sức. Aline cầm tay, dắt em đi ăn tô mì gần đó, và chăm sóc em những ngày sau đó.

Người thứ hai bà nhận chăm sóc, điều trị, cưu mang là Thành, từ trại tâm thần Thủ Đức, khi Thành bị ghẻ lở từ đầu đến chân, thân hình ốm o gầy mòn nhưng bụng phình to và mặt mũi sưng phồng do bệnh tim, gan và phổi. Thành bị cha mẹ bỏ từ khi mới lọt lòng, lúc nhỏ được các sơ nuôi trong tu viện, lớn lên trong trại tâm thần. Khi đó, những người xung quanh không tin rằng Thành còn hi vọng để sống sót.

Dũng và Thành là hai cơ duyên ban đầu đưa Aline vào hành trình tìm kiếm, chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng rất nhiều mảnh đời khốn khổ không ai chăm sóc ở Việt Nam trong gần 30 năm sau đó. Xác định “không thể cứu tất cả mọi người”, Tim nghĩ mình “có thể giúp đỡ nhiều người tìm lại cân bằng trong cuộc sống”.


Thời gian đầu, bà thuê một ngôi nhà nhỏ ở Bình Tân để mang lại gia đình mới cho trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em đường phố và người khuyết tật được bà tìm về để chăm sóc. Năm 1998, Nhà May Mắn chính thức được công nhận là tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam. Tim có thêm quốc tịch Việt Nam, bên cạnh quốc tịch Thụy Sĩ, để có thể thuận tiện hơn cho các hoạt động của mình tại Việt Nam. Bà lấy tên Việt Nam là Hoàng Nữ Ngọc Tim. Đây là tên do những người ở bệnh viện đặt cho bà sau 3,5 tháng một mình bà chăm sóc cho Thành trong bệnh viện. Ngoài thời gian làm việc ở Nhà May Mắn, Tim đến trường học tiếng Việt để có thể sống và làm việc tại Việt Nam.

Đến nay, Thành vẫn là thành viên trong đại gia đình dưới sự chăm sóc của “Mẹ Tim”. Chưa từng xây dựng gia đình và sinh con, nhưng người phụ nữ ấy, vẫn dáng người cao mảnh, nụ cười luôn rất tươi, và khóe mắt đã có những vết chân chim, là mẹ và bà nội, bà ngoại của những người bà cưu mang. Bà nói tiếng Việt như người Việt, thực hiện nhiều chuyến đi khắp Việt Nam và thế giới để gây quỹ và tìm kiếm sự ủng hộ cho sứ mệnh tạo dựng một tương lai tươi sáng hơn cho những người kém may mắn tại Việt Nam.

Nhà May Mắn hiện cần hơn triệu đô la Mỹ mỗi năm cho các hoạt động của mình, trong đó 94% số tiền từ các nguồn tài trợ sẽ được sử dụng trực tiếp vào các chương trình và dự án. “Người khuyết tật không phải anh chị em ruột thịt của mình, trẻ mồ côi không phải con đẻ, nhưng đã có duyên gặp nhau và thương nhau như một gia đình thật sự. Tình yêu thương là một món quà trời cho, mình cho đi mà cùng lúc được nhận hạnh phúc nhân đôi,” Tim viết như vậy trong cuốn tự truyện Nhà May Mắn – Một tương lai cho những người thiếu may mắn do NXB Trẻ phát hành năm 2017.

Đinh Công Duy, 36 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, hiện phụ trách website, phiên dịch tiếng Pháp và quản lý chương trình tình nguyện viên người Pháp, đã ở Nhà May Mắn được 21 năm nay. Tưởng chừng như số phận đã đóng chặt mọi cánh cửa với Duy khi cơn sốt bại liệt quái ác xảy đến lúc Duy năm tuổi.

Nhưng giờ đây, Duy đang sống cùng mái ấm nhỏ của mình ở Làng May Mắn, cùng với vợ là Thủy, cũng là một thành viên được chăm sóc sau khi gặp tai nạn khiến cô trở nên khuyết tật vận động. Họ ở trong một căn hộ được thiết kế đặc biệt phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của mình.

“Công lao và công sức của mẹ Tim thì không thể kể hết bằng lời được,” anh nói.

  • Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 92, tháng 4.2021, chuyên đề Danh sách 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng 2021.