Tỉ phú

10 tỉ phú thế giới có tài sản tăng nhiều nhất năm 2023

Trong khi gần một nửa số tỉ phú trên toàn thế giới giảm giá trị tài sản so với năm 2022, khối tài sản của 10 nhà phiệt này vẫn tăng lên.

Share
this:

2022 là một năm tồi tệ đối với nhiều tỉ phú. Bước sang năm 2023, Forbes ghi nhận số lượng tỉ phú toàn cầu giảm từ 2.668 người trong năm 2022 xuống còn 2.640 người. Tổng giá trị tài sản của các tỉ phú giảm 500 tỉ USD so với năm 2022, xuống 12.200 tỉ USD. Tuy vậy, vẫn có những tỉ phú trở nên giàu có hơn.

Mặc cho thị trường chứng khoán suy giảm, lạm phát tăng cao và tình hình căng thẳng ở Đông Âu, hơn 1.000 tỉ phú vẫn “giàu hơn” so với năm 2022, khi tăng thêm hàng chục tỉ đô la Mỹ.

Tỉ phú ngành hàng xa xỉ Bernard Arnault có mức tăng tài sản lớn nhất. Giá cổ phiếu của tập đoàn LVMH, sở hữu các thương hiệu như Louis Vuitton, Christian Dior và Tiffany & Co., tăng 18% nhờ vào nhu cầu tăng cao, giúp khối tài sản của ông Arnault tăng thêm 53 tỉ USD lên 211 tỉ USD.

Nhờ đó, vị tỉ phú này có lần đầu tiên trở thành người giàu nhất thế giới và là công dân Pháp đầu tiên dẫn đầu bảng xếp hạng này.

Trong khi đó, khối tài sản của tỉ phú than đá và năng lượng tái tạo Low Tuck Kwong tăng thêm 21,8 tỉ USD lên 25,5 tỉ USD, trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại Ukraine làm gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu và đẩy giá than lên cao.

Ông Low Tuck Kwong là tỉ phú tăng tài sản lớn nhất theo tỉ lệ phần trăm, với mức tăng 600%. Những tỉ phú khác gia tăng giá trị tài sản còn có Amancio Ortega, chủ sở hữu thương hiệu thời trang nhanh Zara; tỉ phú vận tải người Thụy Sĩ Gianluigi Aponte; cựu thống đốc New York và nhà đồng sáng lập Bloomberg LP Michael Bloomberg.

10 tỉ phú có giá trị tài sản tăng cao nhất năm 2023 tính theo đô la Mỹ (Khối tài sản ròng tính đến ngày 10.3.2023)

1. Bernard Arnault
Quốc tịch: Pháp
Khối tài sản ròng: 211 tỉ USD (+53 tỉ USD)
Nguồn tài sản: LVMH

Tập đoàn xa xỉ LVMH, sở hữu các thương hiệu đình đám như Dior, Louis Vuitton và Bulgari, đã có một năm kinh doanh thành công khi đạt doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục. Điều này đẩy giá cổ phiếu lên mức cao mới, giúp ông Arnault – nhà sáng lập kiêm chủ tịch và CEO của LVMH – cộng thêm 53 tỉ USD vào khối tài sản ròng, lần đầu tiên trở thành người giàu nhất thế giới.

Bernard Arnault. Ảnh: Getty Images.

2. Low Tuck Kwong
Quốc tịch: Indonesia
Khối tài sản ròng: 25,5 tỉ USD (+21,8 tỉ USD)
Nguồn tài sản: Than đá

Khối tài sản của tỉ phú ngành than đá Indonesia, Low Tuck Kwong tăng phi mã khi công ty khai thác than đá Bayan Resources ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng lên. Qua đó, giúp giá cổ phiếu của Bayan Resources tăng gấp ba lần với sức bật từ nhu cầu sử dụng than đá trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu do căng thẳng tại Ukraine, yếu tố khiến giá than trên toàn thế giới tăng cao.

3. Hoàng Tranh (Colin Huang)
Quốc tịch: Trung Quốc
Khối tài sản ròng: 30,2 tỉ USD (+18,9 tỉ USD)
Nguồn tài sản: Thương mại điện tử

Trong năm 2023, Hoàng Tranh, nhà sáng lập của một trong những tập đoàn hàng đầu Trung Quốc về thương mại điện tử Pinduoduo, tăng giá trị tài sản khi giá cổ phiếu tăng trở lại từ mức thấp ghi nhận vào tháng 3.2022, thời điểm các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về việc chính phủ Trung Quốc thắt chặt quản lý ngành công nghệ.

Hoàng Tranh. Ảnh: Getty Images.

4. Amancio Ortega
Quốc tịch: Tây Ban Nha
Khối tài sản ròng: 77,3 tỉ USD (+17,7 tỉ USD)
Nguồn tài sản: Zara

Amancio Ortega, người tiên phong trong lĩnh vực thời trang nhanh, tăng thêm 17,7 tỉ USD vào khối tài sản ròng khi giá cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ Inditex, nổi tiếng với các cửa hàng thời trang Zara, tăng 30%.

5. Jeff Yass
Quốc tịch: Mỹ
Khối tài sản ròng: 28,5 tỉ USD (+16,5 tỉ USD)
Nguồn tài sản: Giao dịch, đầu tư

Jeff Yass, nhà giao dịch lâu năm tại Wall Street và sáng lập công ty giao dịch Susquehanna International Group, ghi nhận giá trị tài sản tăng lên với sức bật từ khoản đầu tư vào ByteDance – công ty mẹ của TikTok, nền tảng đang bị các nhà lập pháp Mỹ giám sát chặt chẽ. Forbes ghi nhận giá trị vốn hóa của ByteDance giảm từ mức đỉnh 400 tỉ USD trên thị trường chứng khoán thứ cấp xuống 225 tỉ USD. Khối tài sản của Yass tăng phần lớn nhờ vào thông tin liên quan đến số cổ phần của ông trong ByteDance.

6. Gianluigi Aponte
Quốc tịch: Thụy Sĩ
Khối tài sản ròng: 31,2 tỉ USD (+14,4 tỉ USD)
Nguồn tài sản: Vận tải

Là một cựu thuyền trưởng phà chở khách, tỉ phú ngành vận tải Gianluigi Aponte hưởng lợi từ việc giá trị vận tải và logistics tăng mạnh kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Forbes đã điều chỉnh lại phương pháp định giá tài sản có giá trị nhất của Aponte là 50% cổ phần trong công ty Vận tải biển Địa Trung Hải (MSC), một trong những doanh nghiệp vận tải container lớn nhất thế giới, giúp tài sản của ông tăng lên.

Gianluigi Aponte. Ảnh: Getty Images.

7. Andrey Melnichenko
Quốc tịch: Nga
Khối tài sản ròng: 25,2 tỉ USD (+14,1 tỉ USD)
Nguồn tài sản: Phân bón, than

Mặc dù vấp phải các lệnh trừng phạt từ phương Tây như nhiều tỉ phú Nga khác, công ty năng lượng Siberian Coal Energy Company (SUEK) vẫn có một kinh doanh thành công với tín hiệu tích cực từ thị trường than toàn cầu, giúp khối tài sản của Andrey Melnichenko tăng thêm 14,1 tỉ USD lên 25,2 tỉ USD.

8. Michael Bloomberg
Quốc tịch: Mỹ
Khối tài sản ròng: 94,5 tỉ USD (+12,5 tỉ USD)
Nguồn tài sản: Bloomberg LP

Trong hơn một năm qua, cựu thống đốc New York đã quyên tặng 1,7 tỉ USD làm từ thiện và vẫn tăng giá trị tài sản. Đó là nhờ vào doanh thu ước tính của công ty tài chính, phần mềm, dữ liệu và truyền thông Bloomberg LP tăng từ 12,5 tỉ USD trong năm 2021 lên 13,3 tỉ USD vào năm 2022.

9. Carlos Slim Helú
Quốc tịch: Mexico
Khối tài sản ròng: 93 tỉ USD (+11,8 tỉ USD)
Nguồn tài sản: Viễn thông

Trong năm 2023, Carlos Slim Helú, người giàu nhất Mexico đã có thêm 11,8 tỉ USD vào khối tài sản ròng, khi giá cổ phiếu của hãng viễn thông América Móvil tăng 14% trong một năm qua. Điều này đưa Carlos Slim Helú vào danh sách 10 vị tỉ phú giàu nhất thế giới, lần đầu tiên kể từ năm 2019.

10. Reinhold Wuerth
Quốc tịch: Đức
Khối tài sản ròng: 29,7 tỉ USD (+10,7 tỉ USD)
Nguồn tài sản: Vật liệu fastener

Trong năm 2022, doanh thu của công ty gia đình Wuerth Group, sản xuất và cung cấp ốc vít cũng như các vật liệu fastener khác, tăng từ 16 tỉ USD lên 23 tỉ USD. Reinhold Wuerth tham gia kinh doanh ở tuổi 14 vào năm 1949 và phát triển Wuerth Group thành tập đoàn.

Biên dịch: Minh Tuấn