ForbesWomen

Trở thành lãnh đạo, là quá trình dài khám phá bản thân

1 tháng trước
Tác giả Văn Phong

Tiếp tục chuỗi sự kiện nhằm khuyến khích và tôn vinh vai trò lãnh đạo của phụ nữ, cũng như truyền cảm hứng và kết nối cộng đồng, ngày 30.11 tại khách sạn Sofitel Saigon Plaza, Forbes Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Sở hữu phong cách riêng”.

Share
this:

Đây là workshop thứ sáu về nội dung liên quan đến giải mã tinh thần lãnh đạo. Hai khách mời đặc biệt là chị Vân Hồ, nguyên Giám đốc Quốc gia của Sandoz Việt Nam; với chị Lê Thị Mai Linh, Tổng giám đốc Haleon khu vực Indochina (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar). Người dẫn chương trình là chị Thái Minh Châu, CEO Bột Creative Hub và Phục Hưng Books.

Từ trái sang phải: chị Vân Hồ, chị Lê Thị Mai Linh và chị Thái Minh Châu

Mở đầu buổi giao lưu, chị Vân Hồ bày tỏ sự háo hức khi tham dự sự kiện, cho rằng chủ đề Giải mã phong cách lãnh đạo là một chủ đề đặc biệt, sẽ giúp các diễn giả lẫn khách mời có nhiều điều học hỏi.

Chị Mai Linh thì bộc bạch, lãnh đạo càng cao đôi khi càng cô độc. Sự kiện này nhằm kết nối để không cô độc nữa. Ngoài ra, theo chị Mai Linh, lãnh đạo là cuộc hành trình không ngừng học hỏi, không ngừng tích lũy kiến thức nhằm hoàn thiện mình.

Trả lời câu hỏi đầu tiên, các khách mời đã trăn trở và xác định phong cách lãnh đạo của mình thế nào? Chị Vân Hồ tâm sự, lúc đầu chị không để ý khái niệm phong cách lãnh đạo. Chị làm hết sức công việc của mình. Dần dần quan sát cấp trên giao tiếp, cư xử và thái độ với công việc. Khi bước đầu lãnh đạo đội nhóm, chị áp dụng những quan sát trên, để xác định hành vi phù hợp của bản thân. Theo thời gian, chị thấy mình đã xây dựng được một phong cách nhất quán, với yếu tố cốt lõi không thay đổi, nhưng có điều chỉnh để trở nên sâu sắc hơn.

Chị Mai Linh thì khẳng định, lãnh đạo được người khác, mấu chốt phải lãnh đạo được bản thân. “Chúng ta không thể quản lý được người khác, nếu chưa quản lý được bản thân,” chị Mai Linh nhấn mạnh. Do đó, cần đầu tư cho bản thân, nhận thức về bản thân như điểm mạnh, điểm yếu, đam mê, mục tiêu hay lý tưởng. Ngoài ra, lãnh đạo giỏi trước tiên phải là một nhân viên giỏi. Có thể nói, trở thành lãnh đạo, chính là hành trình khám phá bản thân.

Với câu hỏi thứ hai, lộ trình thế nào để xây dựng phong cách lãnh đạo? Theo chị Vân Hồ, động viên và khuyến khích nhân viên là yếu tố cốt lõi. Ngoài ra, người lãnh đạo phải luôn đặt câu hỏi, mình mong muốn cái gì và cần làm gì để mọi thứ trở nên tốt hơn? Chị khẳng định, phong cách lãnh đạo phải mang tính xuyên suốt. Về bản thân, chị luôn tâm niệm 3 nguyên tắc: truyền cảm hứng, tạo động lực và trao quyền.

Chị Lê Thị Mai Linh, Tổng giám đốc Haleon khu vực Indochina (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar)

Với chị Mai Linh, cốt lõi phải luôn là chính mình. Mỗi ngày mình hiểu mình nhiều hơn. Người lãnh đạo điển hình nằm giữa sự giao thoa 3 yếu tố: nhiệt huyết, sở trường và khả năng tạo ra giá trị. Bên cạnh đó, phong cách lãnh đạo có thể không bất biến mà luôn thích ứng với hoàn cảnh. Ví dụ khi công ty cần tái cơ cấu, hay công ty đã cơ bản ổn định giờ chỉ cần làm sao tăng trưởng tốt. Mỗi trường hợp cần một phong cách lãnh đạo khác nhau, do có mục tiêu và đối tượng thuyết phục khác nhau.

Liên quan đến thắc mắc của các khán giả về kinh nghiệm các diễn giả đối ứng tình huống khó như khi cắt giảm nhân sự, phong cách lãnh đạo thể hiện thế nào, chị Vân Hồ cho rằng, đứng về công ty hay nhân viên đều không được, quan trọng phải cân bằng và hài hòa. Nghĩa là, đảm bảo mục tiêu mong muốn của công ty, nhưng nhân viên không bị thiệt thòi. Con người là yếu tố quan trọng nhất mọi tổ chức. Kể cả khi không làm việc nữa, thì họ vẫn là hình ảnh của công ty.

Chị Mai Linh không đưa ra một công thức nhất định. Theo chị, đôi khi đúng về cái lý nhưng không giải quyết được vấn đề. Cái tình, hay sự quan tâm thấu hiểu, lại giúp giảm nhẹ vấn đề và mọi bên đều có thể chấp nhận. Công ty cần xây dựng văn hóa coi trọng con người, để khi phải ra đi thì họ cũng hiểu đây là điều buộc như vậy, nên vẫn sẵn sàng và vui vẻ. Chìa khóa là xây dựng văn hóa ngay từ đầu, chứ không phải cách giải quyết lúc sau.

Về quan điểm cá nhân của 2 khách mời, phong cách lãnh đạo nào được họ lựa chọn nhất, chị Vân Hồ tiết lộ, đó là hình mẫu một người sếp biết tạo điều kiện cho nhân viên phát triển, học hỏi và nâng cao kỹ năng. Ngoài ra cần hiểu được nhân viên, cả những điều không ai thấy, để có cách cư xử phù hợp. Đặc biệt phải công tâm, luôn không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực, không ích kỷ, không sợ bị thay thế và nhận thức rõ cuộc sống có lúc lên lúc xuống.

Chị Vân Hồ, nguyên Giám đốc Quốc gia của Sandoz Việt Nam

Chị Mai Linh cho rằng, sếp trực tiếp là người có thể quyết định đến 70% – 80% một người có làm việc cho công ty đó hay không. Lãnh đạo phải làm gương để người khác noi theo, không ngừng chăm chỉ và cố gắng học hỏi để hoàn thiện. Bên cạnh đó, lãnh đạo còn phải có sự đồng cảm, thấu hiểu, biết khi nào nhân viên cần hỗ trợ cũng như cần sự tin tưởng. Chị khẳng định, mọi nhân viên đều có tiềm năng đặc biệt nào đó, quan trọng người sếp có đủ sự tin tưởng và kỹ năng khéo léo, để bắt mạch và khơi dậy hay không.

Phần cuối chương trình, là giao lưu với các đại biểu bên dưới. Nhiều câu hỏi đã được gửi lên cho hai diễn giả.

Với câu hỏi nếu quay lại quá khứ, các vị sẽ thay đổi điều gì? Chị Mai Linh khiến khán phòng im lặng một cách chăm chú khi nói rằng, nếu quay lại 25 năm trước, lúc ở độ tuổi 25, chị sẽ khuyên người con gái đó hai điều.

Thứ nhất là chăm sóc bản thân tốt hơn, cả thể chất lẫn tinh thần. Ngoài “to do list” – tức những việc cần làm, nên có thêm “not to do list” – tức những việc đừng làm. Ví dụ ai đó hỏi câu gì mình không thực sự giỏi, thì cứ thẳng thắn từ chối không cả nể. Theo chị, thiết lập chế độ ưu tiên, là điều rất quan trọng. Ngoài ra, cần học cách phản hồi phù hợp. Đơn cử, nếu có điều gì đó không hài lòng hay mất kết nối với một nhân sự, cần chia sẻ trực tiếp với người phù hợp để tìm giải pháp.