Tiêu điểm

Phái đẹp thành phái “mạnh”

1 tuần trước
Giang Thanh

Báo cáo năm 2023 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy khoảng 24% các vị trí quản lý cấp cao tại Việt Nam do phụ nữ nắm giữ, cao hơn mức 19% trung bình toàn cầu.

Share
this:

Hiện tại, sự hiện diện của phụ nữ trong môi trường kinh doanh và vị trí lãnh đạo đã chứng minh rằng nữ giới không chỉ là phái đẹp mà còn trở thành “phái mạnh” nếu phát huy tố chất vượt trội so với nam giới trong một số lĩnh vực.

Phụ nữ Việt Nam hiện đại

Cách đây 10 năm trong cuộc trả lời phỏng vấn bàn tròn với Forbes Việt Nam, ba nữ doanh nhân, các đại diện xuất sắc nhất cho khối doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thành công, chia sẻ một số quan điểm chung đáng chú ý khi đề cập đến vai trò của phụ nữ trong kinh doanh và xã hội hiện đại.

Tác giả: Giang Thanh

Về tỉ lệ lãnh đạo nữ trong doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn tỉ lệ nam giới, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk bày tỏ quan điểm cho rằng nam giới hay nữ giới ai quản lý tốt, điều hành tốt thì doanh nghiệp đều có lợi.

Tỉ lệ lãnh đạo nữ thấp không phải phụ nữ bị chèn ép mà trên con đường phát triển sự nghiệp phụ nữ còn có các thiên chức, gánh vác thêm phần trách nhiệm gia đình.

Nhiều nữ quản lý cấp trung khi được cất nhắc cao hơn đã băn khoăn trước câu hỏi: Sự nghiệp hay gia đình? Một số lựa chọn công việc, một số lựa chọn gia đình.

Với nam giới, đáp án luôn luôn là sự nghiệp. Ít người biết rằng, sau công việc, trở về nhà nữ doanh nhân năm lần lọt vào Danh sách Phụ nữ Quyền lực châu Á (Forbes Asia) vẫn là người phụ nữ bình thường với những chuyện nội trợ và bếp núc.

Ở một góc nhìn khác, bà Cao Thị Ngọc Dung, chủ tịch PNJ, cũng nhận định không có bất bình đẳng giới tại Việt Nam ít nhất trên phương diện luật pháp và chính sách phát triển xã hội. Theo bà Dung, do văn hóa Á Đông quan niệm phổ biến trong xã hội Việt Nam, nhiều phụ nữ đặt gia đình là trên hết. Bởi vậy, một số phụ nữ chưa đủ tự tin, chưa mạnh dạn đối mặt với các thử thách hay áp lực ngoài xã hội.

Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân TP.HCM (HAWEE) kể câu chuyện đã đi cùng các nhà ngoại giao EU khảo sát các doanh nghiệp có nữ giới lãnh đạo và họ ngạc nhiên khi tỉ lệ phụ nữ lãnh đạo ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vượt xa con số 8% tại Bỉ. Nữ doanh nhân này nhìn nhận, môi trường làm việc, con đường sự nghiệp là sự lựa chọn cá nhân của phái đẹp, vấn đề không phải nằm ở sự hạn chế hay chính sách phát triển.

Mỗi khi HAWEE tổ chức các hội nghị thông điệp của bà Dung gửi tới cộng đồng nữ luôn luôn là: Hãy tự tin!

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch REE Corp đánh giá Việt Nam là quốc gia cởi mở về tôn giáo nên phụ nữ không bị ràng buộc bởi các quy định khắt khe, hạn chế những quyền cơ bản của công dân. Thuyền trưởng của REE chia sẻ một quan sát thú vị: trong văn hóa Việt Nam nếu một gia đình nhiều con thì tâm lý chung vẫn muốn ưu tiên đầu tư cho người con trai thành đạt.

Bên cạnh đó, một số phụ nữ hiện đại dù có cơ hội nhưng họ thích chọn lùi về phía sau. Họ hạnh phúc với việc trở thành hậu phương vững chắc của một người bạn đời thành công. Theo bà Thanh, nếu sự lựa chọn cá nhân này tạo nên hạnh phúc thì không cần đặt vấn đề về bình đẳng giới.

Ba quan điểm từ các đại diện ưu tú thế hệ nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam sau ngày Thống nhất đất nước chỉ là góc nhìn cá nhân về xu hướng xã hội cách đây một thập niên. Sau 10 năm, không thể phủ nhận trong xã hội Việt Nam hiện nay, ngay tại các thành phố lớn vẫn có tình trạng bạo lực gia đình, bạo hành tinh thần, phân biệt đối xử… trong đó nữ giới dễ trở thành đối tượng yếm thế.

Bỏ qua các bất ổn và hiện tượng tiêu cực luôn tồn tại trong lòng mọi xã hội, các con số thống kê từ các tổ chức quốc tế cho thấy tại Việt Nam nữ giới ngày càng ngang bằng hơn với nam giới khi đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội.

Theo số liệu của World Bank, tỉ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia vào lực lượng lao động là khoảng 70,9% trong năm 2022, cao hơn so với khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Phụ nữ có tham vọng sự nghiệp cao hơn so với trước đây. Ảnh: Getty/ Forbes

Trong khi đó, Tổ chức Lao động Quốc tế công bố báo cáo năm 2023 cho thấy khoảng 24% các vị trí quản lý cấp cao tại Việt Nam do phụ nữ nắm giữ, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 19%.

Báo cáo của Mastercard về “Chỉ số Doanh nhân nữ” cho biết Việt Nam xếp hạng 25 trên 58 quốc gia về tỉ lệ phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp vào năm 2022. Tỉ lệ phụ nữ Việt Nam làm chủ doanh nghiệp nhỏ đạt 26,5%, là mức cao so với các khu vực.

Sách trắng Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tháng 12.2023 cho thấy tỉ lệ phụ nữ tham gia hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khởi nghiệp tại Việt Nam cao hơn so với nam giới. Tỉ lệ tại Việt Nam thậm chí cao hơn con số các nước phát triển như Israel và Mỹ, theo ADB.

Các số liệu khác cũng cho thấy phụ nữ Việt Nam bình đẳng trong các vấn đề về học tập và chính trị. Theo Tổng cục Thống kê, phụ nữ Việt Nam chiếm khoảng 30,26% số ghế trong Quốc hội khóa XV (2021-2026). Đây là mức khá cao khi tại Phillippines, quốc gia có tỉ lệ phụ nữ hoạt động chính trị cao tại Đông Nam Á cũng chỉ đạt 28-30%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết hơn 50% số lượng sinh viên trong các trường đại học tại Việt Nam là nữ và họ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Phụ nữ đóng góp 48% của cải vật chất góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế cho dù thiên chức khác đã đặt lên vai phụ nữ nhiều công việc không tên so với nam giới.

Chẳng hạn, báo cáo của UN Women cho thấy đa số phụ nữ dành từ ba giờ trở lên mỗi ngày để làm công việc nội trợ (không được trả lương) tại Việt Nam. Thời gian làm việc nhà của nam giới chỉ bằng một nửa so với nữ giới. Thậm chí, trung bình nếu năm nam giới thì có một người hoàn toàn không tham gia vào công việc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái.

Trở thành phái “mạnh”

Trong cuốn sách nổi tiếng “Sapiens: Lược sử loài người” học giả Yuval Noah Harari đã đưa ra lý giải thú vị về sự khác biệt tâm lý, tính cách, hành xử và phản ứng của hai giới.

Theo Harari, để hiểu được sự khác biệt của Adam và Eva nên quay ngược thời gian về giai đoạn các Homo Sapiens (Người tinh khôn), tổ tiên chúng ta tồn tại bằng cách săn bắt và hái lượm.

Với sức mạnh cơ bắp, các Adam thực hiện công việc nguy hiểm nhất là mang protein về cho bộ lạc. Một ngày làm việc điển hình của Adam là việc nằm trong bụi cỏ rình mồi. Nếu không có cái nhìn bao quát tốt xung quanh, chính Adam có thể trở thành con mồi của các loài thú lớn sau lưng hay bỏ mạng vì vết cắn chí tử của rắn, rết, bò cạp…

Với các vũ khí thô sơ, trong một thời khắc quyết định Adam cần ra tay chính xác vì chỉ có hai khả năng: hoặc mang bữa tối về cho bộ lạc hoặc trở thành bữa tiệc dành cho sư tử, hổ, báo. Vì vậy, thuở xa xưa hành động của các Adam đã nhanh, quyết đoán, chính xác.

Cùng thời gian này, do thiên chức làm mẹ, các Eva ở nhà, họ thực hiện công việc cần sự tỉ mỉ như phân chia thực phẩm cho những người trong bộ lạc. Trong quá trình hái lượm, họ dùng mắt phân chia các loại hạt và trái cây có thể ăn được thường xuyên và loại chỉ ăn được một lần.

Chế độ sinh hoạt mẫu hệ cũng khiến các Eva dần dần hình thành cách giải quyết tinh tế, duy trì sự cân bằng cảm xúc giữa bầy Adam vây quanh.

Cuộc cách mạng Nông nghiệp (trồng trọt và thuần hóa thú hoang) diễn ra cách đây khoảng 12 ngàn năm trong khi cuộc cách mạng khoa học đầu tiên mới diễn ra cách đây 500 năm. So với thời gian 2,5 triệu năm khi các Sapiens sống bằng săn bắt và hái lượm, những khoảng thời gian trên nhanh như một cái chớp mắt.

Bởi vậy, giả thuyết của Harari cho rằng hành động, tính cách và tâm lý của con người hiện đại đã được định hình từ thời kỳ tiền nông nghiệp kéo dài. Tập quán cũ vẫn tồn tại trong tiềm thức con người hiện đại: Đàn ông quyết đoán, mạnh mẽ, bao quát và logic. Trái lại phụ nữ cẩn thận, tỉ mẩn, chi tiết và thiên về giao tiếp cảm xúc.

Quay lại hiện tại, một khảo sát của Grant Thornton International công bố đầu năm 2024 cho biết phụ nữ có tố chất nổi trội trong một số vị trí kinh doanh. Cụ thể, trên toàn cầu tỉ lệ nữ giới giữ các vị trí giám đốc tài chính, giám đốc marketing, giám đốc kinh doanh và giám đốc nhân sự ở các doanh nghiệp tầm trung lần lượt đạt 71%, 63%, 59% và 79%.

Grant Thornton cho biết không có sự cách biệt đáng kể so các số liệu thu thập tại Việt Nam so với tỉ lệ thu thập được trên toàn cầu cũng như khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương.

Lý giải của Harari cho thấy phụ nữ có thể sở hữu những tố chất đặc biệt giúp phái đẹp vượt trội so với nam giới trong môi trường kinh doanh. Chẳng hạn, vị trí lãnh đạo liên quan đến giao tiếp cảm xúc như giám đốc nhân sự.

Một trong những tố chất nổi bật khác của phụ nữ là khả năng quản lý chi tiết, tỉ mỉ và tố chất trở thành giám đốc tài chính, ra các quyết định liên quan đến dòng tiền doanh nghiệp.

Khả năng lắng nghe và đồng cảm của phụ nữ cũng thường tốt hơn nam giới, giúp họ xây dựng mối quan hệ tốt hơn với khách hàng và đối tác, nên tiềm năng thành công ở vị trí giám đốc kinh doanh.

Phụ nữ thường sẵn sàng bắt đầu các thay đổi và đưa ra các giải pháp sáng tạo, điều này giải thích vì sao dễ gặp giám đốc marketing là nữ giới hơn nam giới.

Như vậy, phụ nữ hiện đại không chỉ có thể đóng vai trò quan trọng trong gia đình mà còn dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Sức mạnh của phụ nữ không chỉ đến từ trí tuệ và khả năng lãnh đạo mà còn từ những tố chất thiên bẩm mà nam giới không có.

Chấm dứt suy nghĩ phái đẹp là phái yếu. Phụ nữ có những tố chất để trở thành phái “mạnh.”

Xem thêm