Quốc tế

Nỗ lực bảo tồn các loại nấm quý hiếm ở Ghana

7 tháng trước
Tác giả Andrew Wight

Các nhà nghiên cứu quốc tế, bao gồm những nhà khoa học ở Ghana, đang chạy đua với thời gian trong nỗ lực bảo tồn các loài nấm quý hiếm.

Share
this:

Nền kinh tế của Ghana chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, với mức đóng góp hơn 1/2 GDP, 40% vào kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu của ngành nông nghiệp, số lao động nữ trong ngành hiện chiếm 40%.

Ở Ghana, nấm có vai trò quan trọng giúp nông dân thoát nghèo cũng như giảm thiểu tình trạng mất an ninh lương thực.  

Tiến sĩ Jacob Ulzen là nghiên cứu sinh của Trung tâm Nghiên cứu cây trồng và rừng tại Đại học Ghana. Ảnh: SPUN/Natalija Gormalova/ Forbes

Jacob Ulzen, nhà sinh vật học ở Ghana và nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nghiên cứu cây trồng và rừng tại Đại học Ghana, giải thích rằng hiện ông khoanh vùng các loài nấm rễ cộng sinh ở Ghana. Loại nấm này cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho cây trồng để đổi lấy đường và hợp chất hữu cơ khác.

Ông nói: “Nấm Mycorrhizal cung cấp cho cây chất dinh dưỡng cũng như khả năng chống chịu tốt hạn hán, độ mặn và các môi trường sinh trưởng không thuận lợi khác.” Đồng thời ông cho biết thêm các quốc gia ở châu Phi, đặc biệt Ghana, chưa khai thác tất cả lợi ích trên của nấm Mycorrhizal.

“Ghana có rất nhiều nấm Mycorrhizal phân bố ở khu vực ven biển và rừng nhiệt đới,” ông nói. Tuy nhiên, tình trạng xói mòn đất và mực nước biển dâng cao đe dọa sự phát triển của những loài này.

Ulzen cho biết: “Nghiên cứu này kỳ vọng sẽ xác định được các loài nấm rễ cộng sinh có thể sử dụng trong cả ngành nông nghiệp và môi trường.” Theo ông, điều này sẽ có ý nghĩa đối với ngành nông nghiệp và góp phần khôi phục các khu rừng ven biển ở Ghana.

Ulzen và Toby Kiers, giám đốc điều hành của Hiệp hội Bảo vệ Sinh vật dưới lòng đất (SPUN) và giáo sư sinh học tại Đại học Vrije Amsterdam ở Hà Lan, đã tham gia chuyến đi của hiệp hội tới Ghana trong năm 2024 để tìm hiểu công nghệ giải trình tự gene thế hệ mới cho nấm.

Theo Kiers, công nghệ này có thể giúp các quốc gia ở Tây Phi chủ động ghi lại, kiểm soát cũng như sử dụng nguồn tài nguyên vi sinh vật. “Đây là việc làm ngày càng cấp bách vì mực nước biển dâng cao đe dọa nhiều loại nấm rễ cộng sinh ở khu vực ven biển.”

Một loại nấm ở Ghana. Ảnh: SPUN/ Natalija Gormalova/ Forbes
Lớn lên ở Ghana

Ulzen lớn lên ở Ghana, Kumasi và Cape Coast.

“Khi còn nhỏ, tôi muốn trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, nhưng cha và ông nhất quyết bắt tôi phải đi học và trở thành nhà nghiên cứu,” ông nói.

Ulzen nói giáo viên dạy ông thời trung học đã khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học nông nghiệp cho ông. Trước đó, ông từng muốn trở thành nhà nhân giống cây trồng. Tuy nhiên, sau khi ông nhận được học bổng, ông chuyển sang ngành nghiên cứu chuyên sâu về tài nguyên đất.

Ông nói: “Tôi chưa bao giờ hối hận vì chọn trở thành nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tài nguyên đất.” Ngoài ra, ông còn cho biết thêm các nhà khoa học ở Nam bán cầu hiểu được suy nghĩ và thói quen canh tác của nông dân cũng như hệ thống nông nghiệp tại đó hơn những nhà nghiên cứu ở Bắc bán cầu.

Nấm ở Cameroon có thể giúp gì cho nông dân?

Một thành viên khác trong cùng đoàn nghiên cứu là Astride Carole Djeuani, giảng viên và nhà nghiên cứu tại Đại học Yaounde ở Cameroon.

Các nhà nghiên cứu của SPUN đang thực hiện nghiên cứu thực địa ở Ghana trong năm 2024. Ảnh: SPUN/ Natalija Gormalova/ Forbes

Bà tìm cách sử dụng nấm làm phân bón để tăng năng suất cây trồng cho nông dân. Nấm rễ cộng sinh dạng túi chùm cung cấp nước, phosphate và nitơ cho cây chủ để nhận lại tới 20% lượng carbon cố định của cây – một sự cộng sinh hữu ích.

Djeuani cho biết điều quan trọng là nghiên cứu loại nấm này mọc xung quanh rễ cây vì chúng có thể được sử dụng làm phân bón để tăng năng suất cây trồng.

“Việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng đến môi trường đất. Để giảm thiểu tác hại này, tôi sẽ cung cấp cho nông dân những chủng nấm đã được phân lập và nhân giống sau khi sàng lọc trong phòng thí nghiệm,” bà nói, đồng thời cho biết thêm nông dân sẽ trộn loại nấm này với than sinh học và phân để bón cho cây.

“Thật may mắn khi Cameroon có 5 vùng sinh thái nông nghiệp. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng đây là cơ hội thực hiện nghiên cứu trên diện rất rộng để giúp hiểu rõ và xác định các chủng nấm rễ cộng sinh dưới lòng đất. Thách thức lớn nhất là có thể khám phá cũng như hiểu rõ hệ sinh thái dưới lòng đất ở Cameroon, đồng thời xác định sự đa dạng của nấm rễ cộng sinh.”

Biên dịch: Gia Nhi

———————-

Xem thêm:

Phòng thí nghiệm mới ở Sri Lanka giúp bảo tồn những loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng