Doanh nghiệp

Làn gió mới tại công ty văn phòng phẩm lớn nhất Việt Nam

Trong 10 năm đầu tiên đi làm thuê, bà Trần Phương Nga nhảy việc năm lần nhưng đã dành 10 năm tiếp theo gắn bó với Thiên Long. CEO của doanh nghiệp hơn 40 năm tuổi đang tìm cách củng cố vị thế doanh nghiệp trong ngành văn phòng phẩm và gắn với khách hàng trẻ.

Share
this:

Ngày 1.6.2021, ngày đầu tiên tiếp nhận vị trí tổng giám đốc điều hành công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long, bà Trần Phương Nga không thể đến văn phòng vì TP.HCM đang giãn cách do đại dịch COVID-19, công ty trong chế độ làm việc từ xa.

Nhưng trở ngại này không khiến quá trình chuyển giao công việc bị ảnh hưởng bởi tân CEO Thiên Long không phải là gương mặt lạ lẫm, khi đó bà Nga đã có chín năm làm việc qua nhiều bộ phận tại công ty.

Sau năm năm đầu quân vào Thiên Long từ vị trí giám đốc tài chính, bà Nga được bổ nhiệm vào vị trí phó tổng giám đốc tài chính kế toán kiêm trợ lý cho nhà sáng lập Cô Gia Thọ từ năm 2017. Đến tháng 6.2021, bà Nga chính thức đảm nhận vai trò điều hành doanh nghiệp 40 năm tuổi, có doanh thu hơn 2.600 tỉ đồng (năm 2020) và chiếm 60% thị trường văn phòng phẩm tại Việt Nam.

“Ở Thiên Long có sự đa dạng, còn nhiều dư địa để cải tiến, tôi thấy mình không phải chỉ là một nhân sự làm thuê mà đang chịu trách nhiệm lèo lái đưa Thiên Long đến chặng phát triển mới,” bà Nga nói với Forbes Việt Nam, đồng thời nhắc đến mục tiêu đưa doanh thu công ty lên 10 ngàn tỉ đồng vào năm 2027.

Từ một cơ sở sản xuất bút viết do ông Cô Gia Thọ thành lập năm 1981, đến năm 2021, Thiên Long tái cấu trúc theo mô hình holding. Nhiệm vụ của thế hệ kế nhiệm như bà Nga là cùng đội ngũ hơn 3.300 nhân viên đưa công ty tiếp cận nhóm khách hàng trẻ tuổi trước sức ép cạnh tranh từ các công ty nước ngoài.

Từ đầu năm 2022, hơn 150 nhân sự khối văn phòng Thiên Long chuyển về nơi làm việc mới tại thành phố Thủ Đức (TP.HCM). Mỗi ngày khoảng 7h30, nữ tổng giám đốc Thiên Long đến văn phòng làm việc, khệ nệ xách chiếc cặp đen đựng đầy đồ đạc từ laptop đến tài liệu chuẩn bị cho các cuộc họp trong ngày.

Bà Nga cởi mở, luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ câu hỏi nào từ các nhân viên. Bà muốn xây dựng môi trường làm việc trở thành nơi mọi nhân sự không chỉ hoàn thành tốt công việc mà còn có cơ hội học hỏi, thông qua các khóa đào tạo nội bộ. Nhưng việc xây dựng môi trường đào tạo chỉ là một trong các dấu ấn bà Nga tạo ra trong 10 năm làm việc tại Thiên Long. Một trong số đó là “cùng đội ngũ giúp Thiên Long cởi mở hơn với các nhà đầu tư.”

Khi mới gia nhập công ty, bà Nga đã đề xuất với các lãnh đạo bộ phận lúc đó, thậm chí có lần vượt cấp, gặp trực tiếp nhà sáng lập cũng là chủ tịch công ty Cô Gia Thọ để bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Nhìn lại giai đoạn 2008-2012, dù được đánh giá là doanh nghiệp dẫn đầu ngành văn phòng phẩm Việt Nam, có nền tảng tốt, doanh thu cùng lợi nhuận tăng bình quân 25%, thanh khoản cổ phiếu TLG thấp.

Theo báo cáo phân tích của công ty Chứng khoán FPT, các chỉ số ROE và EPS của TLG khi đó cao hơn các công ty cùng ngành có cùng quy mô như Lihit Lab Inc (Nhật Bản), FE Bording A/S (Đan Mạch) hay Koan Hao Enterprise Co., Ltd (Đài Loan). Dẫu vậy, tại mỗi kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên, câu hỏi về giá cổ phiếu và tính thanh khoản thấp luôn được cổ đông lặp đi lặp lại.

Bằng cách mời đối tác đến tham quan văn phòng và nhà máy, Thiên Long dần gây thiện cảm với các nhà đầu tư. Năm 2013, Vietnam Holding đầu tư vào Thiên Long và trở thành cổ đông lớn nắm 11,2% cổ phần. Sau đó, công ty đón nhà đầu tư chiến lược khi phát hành riêng lẻ năm triệu cổ phần cho quỹ ngoại NWL Cayman Holdings Ltd. (thuộc Newell Brands), tương ứng 7,07% vốn, với giá 85.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá khoảng 35%.

Bà Nga cho biết Thiên Long đã chủ động tiếp cận Newell Brands, đối tác hỗ trợ phân phối dụng cụ văn phòng thương hiệu Flexoffice ở các thị trường có thế mạnh ở châu Mỹ và châu Âu. CEO Thiên Long đang nỗ lực xây dựng hệ thống tài chính quản trị trở thành “xương sống” của công ty song song với kế hoạch thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản phẩm, nhắm đến mục tiêu “không chỉ bán sản phẩm mang lại nét chữ mà còn tạo hệ sinh thái phục vụ học tập trọn đời.”

Ông Cô Gia Thọ đánh giá bà Nga “là người ham học hỏi, đam mê công việc, luôn đặt cái tôi dưới cái chúng ta (tổ chức)”. Với sự tín nhiệm của ban lãnh đạo công ty, bà Nga thay đổi mô hình Thiên Long thành sơ đồ tổ chức ngược, trong đó CEO nằm ở vị trí thấp nhất và nhanh chóng vượt qua “cái tôi” để học và truyền văn hóa học hỏi cho toàn tổ chức.

“Trong bốn năm đảm nhiệm chức giám đốc tài chính, tôi đã hướng cô Nga ngoài làm tốt vai trò của mình còn phải làm tốt ở những vị trí, công việc khác. Cô Nga thường xuyên làm việc với CEO (khi ấy là ông Nguyễn Đình Tâm) và tôi trong những việc lớn, mang tính quyết định. Cứ như vậy trong thời gian dài, liên tục trải nghiệm, cọ xát với mọi công việc của tập đoàn,” ông Thọ nói về những trải nghiệm thực tế để bà Nga được chọn trở thành hạt giống kế thừa vị trí CEO Thiên Long.

Sinh năm 1978 tại Đà Nẵng, bà Nga nhận học bổng toàn phần của chính phủ Úc theo chương trình của cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAID) và chọn học chuyên ngành Tài chính kinh tế kế toán tại trường đại học Kinh tế tài chính thuộc đại học Sydney. Bà Nga nói con đường sự nghiệp của mình được thực hiện theo đúng kế hoạch. 10 năm đầu sau tốt nghiệp (2000) đầu quân vào nhiều tổ chức (bình quân dành hai năm mỗi nơi) và qua nhiều vị trí để học hỏi càng nhiều càng tốt.

10 năm tiếp theo xây dựng sự nghiệp tại công ty Việt Nam. Khi đang làm việc tại một quỹ đầu tư ở Việt Nam, bà Nga để ý đến Thiên Long, từng đọc những bài viết về nhà sáng lập công ty, vị nể những người đi lên từ khó khăn, chính trực và ham học hỏi. Đến khi làm việc với các công ty tuyển dụng, bà Nga đưa ra hai yêu cầu chính: là công ty sản xuất Việt Nam và có nền tảng cơ bản tốt nhưng chưa được khai thác hết. Bà ứng tuyển và gia nhập Thiên Long năm 2012.

Nếu thế hệ của nhà sáng lập Thiên Long xây dựng doanh nghiệp từ kiến thức và trải nghiệm lăn lộn thực tế thì thế hệ lãnh đạo kế tiếp như bà Nga thuộc nhóm được đào tạo ở nước ngoài, có kinh nghiệm làm việc tại các công ty đa quốc gia mang lại những làn gió mới.

Trong khi ông Cô Gia Thọ được đánh giá là doanh nhân không ngừng học hỏi, dấn thân theo đuổi cơ hội và “nhanh như điện” thì ở góc độ của người làm về đầu tư, bà Nga thận trọng nhìn mọi việc đa chiều hơn, đặt cả cơ hội và rủi ro lên bàn cân trước mỗi quyết định.

Với bất kỳ dự án nào, bà đều tính đến khả năng không đạt kỳ vọng và nếu chạm ranh giới này, việc cắt lỗ sẽ được thực hiện. Chẳng hạn, Thiên Long từng thử nghiệm mở cửa hàng mỹ phẩm nhưng từ số liệu kinh doanh không khả quan, họ đóng ngay dự án khi mới có một cửa hàng. Bà Nga lý giải, nhờ nhìn cả vào cơ hội và tính toán rủi ro nên khi đó họ chỉ mua hàng về bán, dùng thương hiệu riêng và đội ngũ nằm ngoài công ty nên không ảnh hưởng danh tiếng của Thiên Long.

Đặc thù ngành văn phòng phẩm là danh mục sản phẩm đa dạng. Trước đây, Thiên Long với cả ngàn sản phẩm chia thành bốn nhóm: bút viết, dụng cụ văn phòng, dụng cụ học sinh và dụng cụ mỹ thuật. Nhưng nay công ty cơ cấu lại các nhãn hàng; bút viết vẫn là nhóm sản phẩm chính mang lại phần lớn doanh thu.

Công nhân Thiên Long làm việc tại xưởng bút gel trong nhà máy Nam Thiên Long, khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM (Nguồn: DNCC).

Ngoài việc duy trì hệ thống phân phối khoảng 55.000 điểm bán bên cạnh các kênh bán hàng hiện đại, từ cuối năm 2022 công ty bắt đầu mở chuỗi cửa hàng Clever Box nhằm cung cấp không gian cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm. Lợi thế cạnh tranh của Thiên Long nằm ở độ phủ thị trường, với 60% thị phần bút viết và 30% thị phần dụng cụ văn phòng. Đặc biệt nhóm sản phẩm bút bi là sản phẩm thông dụng với người dùng.

Năm 2022, Thiên Long ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục, với doanh thu hơn 3.520 tỉ đồng và lãi ròng hơn 400 tỉ đồng, tăng lần lượt 32% và 45% so với năm 2021. “Sản phẩm bút viết hàng trăm năm qua không có nhiều đột phá, kể cả tại những công ty lâu đời, vì vậy cơ hội đa dạng hóa sẽ nằm ở nhóm các sản phẩm mỹ thuật,” bà Nga nhận định.

Công ty dẫn đầu thị trường văn phòng phẩm nội địa đang phải tái định vị thương hiệu để tiếp cận khách hàng trẻ tuổi. Bà Nga thừa nhận, sản phẩm Thiên Long “chưa đủ đa dạng và chưa chạm được giới trẻ.”

Ở thị trường nước ngoài, mang về gần 24% doanh thu thuần năm 2022, Thiên Long cũng gặp thách thức về hình ảnh thương hiệu. Còn ở nội địa, các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư sản xuất và mở rộng thị trường, khiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

CEO Thiên Long lấy ví dụ về mô hình của Muji, công ty bán lẻ đồ gia dụng, nội thất, văn phòng phẩm, mỹ phẩm đến từ Nhật Bản, đang mở rộng quy mô tại Việt Nam. Dù mới gia nhập thị trường, cũng không phải công ty văn phòng phẩm nhưng họ phát triển nhanh. Sau ba năm gia nhập thị trường, Muji đã có năm cửa hàng tại Việt Nam. Họ nhận thấy cơ hội từ thị trường văn phòng phẩm khi các doanh nghiệp chỉ tập trung vào phân khúc phổ thông hoặc cao cấp mà thiếu nhóm tầm trung.

“Tôi đặt mục tiêu ba năm tiếp theo cùng đội ngũ tạo hệ sinh thái phục vụ cho việc học tập trọn đời từ sản phẩm đến văn hóa công ty. Mình không thể để niềm tự hào 42 năm ru ngủ mà cần tìm cách để điều đó giúp mình có thêm sức mạnh, chạm được vào cảm xúc của khách hàng, đặc biệt người trẻ,” bà Nga nói về định hướng phát triển thời gian tới.

Theo Forbes Việt Nam số 116, tháng 4.2023, chuyên đề: Thế hệ lãnh đạo kế tiếp.