Bất chấp những lo ngại về môi trường kinh doanh biến động của năm 2025, Tập đoàn Hòa Phát, “gã khổng lồ” ngành thép, gia tăng đầu tư, hướng tới cơ hội mới trong tương lai.
Năm nay, Hòa Phát đưa ra một kế hoạch mục tiêu doanh thu đạt 170 ngàn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2024, và lợi nhuận sau thuế đạt 15 ngàn tỷ đồng, tăng gần 25%. Mức tăng trưởng này tuy không gây quá nhiều bất ngờ, nhưng là con số ấn tượng đối với một doanh nghiệp có quy mô đứng thứ ba về doanh thu và thứ hai về lợi nhuận trong khối các công ty niêm yết phi tài chính.
Tại đại hội cổ đông diễn ra vào tháng 4.2025, chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đã công bố chiến lược phát triển mới của Hòa Phát: mở thêm sản xuất thép chất lượng cao, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ ngành đường sắt như trục bánh xe cho tàu hỏa và tàu cao tốc. Các nhà phân tích nhận định đây là bước đầu tư mang tính chiến lược trong bối cảnh nhu cầu đối với thép truyền thống đang có dấu hiệu chững lại.
Hơn 30 năm trước, Hòa Phát khởi đầu là một công ty nhỏ chuyên kinh doanh thiết bị xây dựng. Qua thời gian tích lũy và mở rộng, công ty trở thành tập đoàn thép lớn nhất Đông Nam Á. Theo Công ty Chứng khoán SHS, năng lực sản xuất thép thô hiện tại của Hòa Phát đạt 8,9 triệu tấn mỗi năm – cao nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với thế mạnh tập trung vào thép xây dựng và ống thép.
Tuy nhiên, khi đã đạt đến quy mô như hiện tại, các thị trường truyền thống của ngành thép – bao gồm thép xây dựng – đang dần bước vào giai đoạn bão hòa. Điều này buộc Hòa Phát phải tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới. Tại buổi gặp gỡ báo chí vào tháng tư, tổng giám đốc Nguyễn Việt Thắng chia sẻ: “Nếu cứ chờ đợi có sẵn thị trường lớn mới đầu tư, chúng ta sẽ không bao giờ có được thị trường. Hòa Phát phải là người tiên phong.” Theo ông Thắng, cùng với tốc độ công nghiệp hóa, nhu cầu thép chất lượng cao ở Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt thép trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Chính vì thế: “Chuyển dịch sang sản xuất thép chất lượng cao là điều cần thiết,” ông Thắng nói.
Ngay trước thềm đại hội cổ đông, Hòa Phát đã ký hợp đồng với Tập đoàn Primetals (Anh) để lắp đặt dây chuyền đúc và cán thép chất lượng cao, công suất 500 ngàn tấn mỗi năm. Dây chuyền này phục vụ sản xuất các loại thép chuyên dụng như thép làm bố lốp, thép dự ứng lực, thép lò xo không hợp kim, và thép đinh vít chính xác, đáp ứng cả nhu cầu nội địa lẫn xuất khẩu.
Một phần trong kế hoạch chuyển dịch của Hòa Phát liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trị giá 67 tỷ USD đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2024. Chỉ bốn tháng sau khi nhận đề xuất từ phía Chính phủ, Hòa Phát đã bắt tay triển khai dự án sản xuất ray đường sắt trị giá 14.000 tỷ đồng tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), nơi họ đã rót khoảng 7 tỷ USD trước đó.
Trong bối cảnh nhiều biến động, bao gồm các chính sách thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, phần lớn doanh nghiệp chọn cách thận trọng, thu hẹp. Hòa Phát chọn cách tiếp cận khác. Ông Thắng cho biết, các dự án của Hòa Phát có thời gian triển khai nhanh, chỉ trong khoảng 20–22 tháng từ lúc khởi công sẽ có sản phẩm đầu tiên. Mốc đầu năm 2027 được kỳ vọng là thời điểm các sản phẩm thép chất lượng cao đầu tiên của dự án sẽ ra thị trường.
Vị CEO của Hòa Phát khẳng định quyết tâm không chờ đợi và có niềm tin rằng, Chính phủ “nói sẽ làm.” Theo ông, chưa bao giờ Chính phủ dành sự quan tâm lớn cho doanh nghiệp trong nước như bây giờ. Do vậy, công ty sẽ chuyên tâm cho lĩnh vực thép và phát triển hệ sinh thái này bởi còn nhiều dư địa để phát triển.
“Khi Chính phủ nói doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển quan trọng nhất của nền kinh tế, chúng tôi rất tin tưởng và sẽ đồng hành cùng Chính phủ, tận dụng mọi cơ hội để phát triển,”
Nguyễn Việt Thắng, CEO Hòa Phát
Dù mới bước vào phân khúc thép đường ray, Hòa Phát tin rằng công ty có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài nhờ lợi thế về nguyên vật liệu, chi phí đầu tư và khả năng kiểm soát giá thành. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng với các sản phẩm chuyên biệt như thép ray cao tốc, một cơ chế quản lý giá rõ ràng là cần thiết để tạo động lực cho sản xuất trong nước. Công ty hiện vận hành theo mô hình minh bạch tài chính và mong muốn Chính phủ sớm ban hành khung giá hợp lý cho lĩnh vực này.
Bộ Xây dựng ước tính từ nay đến năm 2035, Việt Nam có thể cần khoảng 1,7 triệu tấn thép ray. Với công suất 700 ngàn tấn/năm của nhà máy mới, Hòa Phát dự kiến dành khoảng 150 ngàn tấn/năm cho sản xuất thép ray, đủ khả năng đáp ứng phần lớn nhu cầu thị trường trong nước trong một thập niên tới.
Bên cạnh đó, dự báo của SSI Research cho thấy nhu cầu thép nội địa năm 2025 có thể tăng 10% so với năm trước, phần lớn nhờ thị trường bất động sản hồi phục và hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn được đẩy nhanh như các tuyến cao tốc Bắc – Nam, Đông – Tây, cảng Cần Giờ (TP.HCM), cảng Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) và đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Đầu tư cho công nghệ là một phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch của Hòa Phát. Theo ông Thắng, công ty tăng nhập dây chuyền từ châu Âu, dù chi phí cao hơn so với thiết bị Trung Quốc nhưng ổn định và an toàn hơn trong vận hành.
Kết quả kinh doanh quý I.2025 cho thấy Hòa Phát đạt doanh thu 37 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.300 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 16% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giữa tháng 5.2025, Bộ Thương mại Hoa Kỳ kết luận Hòa Phát không vi phạm các quy định về chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp trong giai đoạn rà soát, giúp công ty không bị áp các loại thuế bổ sung nếu chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu hợp lệ.
Dù vậy, bài toán vốn là một vấn đề đáng chú ý. Năm ngoái, tổng nợ phải trả của Hòa Phát tăng gần 30%, chủ yếu do chi phí cho Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2, vốn có tổng đầu tư hơn 171 ngàn tỷ đồng. Dự án này chính thức đi vào vận hành đầu quý 1.2025 và được kỳ vọng sẽ đưa Hòa Phát vào tốp 30 công ty thép lớn nhất thế giới. Phản hồi với báo chí về điều này, ông Thắng cho biết, công ty “sử dụng vốn trong giới hạn an toàn,” với tỷ lệ cân bằng giữa vốn tự có và vốn vay.
Thép vẫn là trục chính. Bên cạnh đó, nông nghiệp – dù chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu – vẫn đóng góp ổn định, với hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận năm ngoái. “Hòa Phát kiên định với con đường mình đi,” ông Thắng nói, “Chủ lực vẫn là thép, bởi nó gắn với nghiệp của Hòa Phát.”