Chín tháng đầu năm 2021, Việt Nam có 31 ngành hàng xuất khẩu giá trị vượt một tỉ đô la Mỹ, trong đó có sáu ngành hàng kim ngạch xuất khẩu vượt 10 tỉ đô la Mỹ. Nhìn từ bên ngoài trên bản đồ xuất khẩu thế giới, Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị và sản xuất nhiều lĩnh vực: điện thoại – điện tử, dệt may – da giày, nông lâm thủy hải sản…
Nhưng nếu bóc tách sâu hơn các con số tuyệt đối, chúng ta thấy nhiều thông tin đáng suy ngẫm khác. Các doanh nghiệp FDI chiếm 99,1% tỉ trọng xuất khẩu trong ngành điện thoại và linh kiện, 98% trong ngành máy tính – điện tử và linh kiện, 92,5% với lĩnh vực máy móc và phụ tùng. Ba lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu, miếng bánh hầu như các doanh nghiệp FDI nắm giữ hoàn toàn, rất ít doanh nghiệp nội địa đủ sức chen chân vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực này.
Với dệt may, ngành xuất khẩu chủ lực khác, kim ngạch xuất khẩu chín tháng đầu năm nay đạt 29 tỉ đô la Mỹ. Nhưng riêng vải nguyên liệu dùng cho sản xuất đã nhập khẩu 11 tỉ đô la Mỹ, trong đó gần 60% có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Tương tự, với sắt thép, Việt Nam xuất khẩu 8,4 tỉ đô la Mỹ trong chín tháng, một kỷ lục nhưng nhập nguyên liệu để sản xuất thép tới 11 tỉ đô la Mỹ. Nếu nhìn từ bên trong, những con số này cho thấy trong chuỗi sản xuất toàn cầu Việt Nam giống một công xưởng gia công của thế giới hơn là đủ năng lực chen chân vào chuỗi sản xuất và cung ứng có hàm lượng chất xám và giá trị cao.
Sự đứt gãy và gián đoạn chuỗi cung ứng với nhiều ngành sản xuất trong đại dịch COVID-19 phơi bày một số điểm yếu của nền kinh tế của Việt Nam. Khi số báo này đến tay độc giả, khu vực phía Nam đã chuyển từ giai đoạn ứng phó khủng hoảng sang giai đoạn phục hồi sản xuất. Câu hỏi quan trọng dành cho doanh nghiệp Việt Nam lúc này là làm thế nào để có thể chuẩn bị tốt hơn cho chuỗi cung ứng và sản xuất trước những khủng hoảng trong tương lai hay khi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại? Forbes Việt Nam cho rằng đại dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các doanh nghiệp thích ứng, uyển chuyển và cách tân trong bối cảnh mới.